xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mịt mờ số phận tàu cánh ngầm

Bài và ảnh: THU HỒNG

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP HCM tiếp tục dừng hoạt động các tàu cao tốc cánh ngầm. Việc sửa chữa, kế hoạch đóng mới phương tiện của 3 hãng tàu cánh ngầm càng trở nên ách tắc

Tàu cánh ngầm (TCN) ở TP HCM đã tạm dừng hoạt động hơn 3 tháng sau sự cố cháy tàu Vina Express 01.

Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), kết quả kiểm tra của bộ cho thấy đội TCN tại TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu đã quá cũ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn khi hoạt động. Vì vậy, cần phải được thay thế bằng tàu mới để bảo đảm an toàn giao thông.

Bỏ tiền tỉ đóng, mua tàu

Bộ GTVT cho biết trong số 10 TCN hiện có, 8 chiếc đã trên 20 tuổi, 1 chiếc 19 tuổi và 1 chiếc 18 tuổi. Có 9 TCN được hoán cải thay máy chính mới.

Khi kiểm tra, hầu hết TCN nào cũng mắc 16-18 lỗi liên quan đến các vấn đề kỹ thuật, tập trung ở khoang két, máy bơm, buồng lái, bệ đỡ, hệ trục, hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu, làm mát máy… Với các khiếm khuyết này, chủ tàu dù có khắc phục thì cũng chỉ mang tính tạm thời, không ổn định vì TCN đã quá già nua.

Tàu cánh ngầm đang nằm bến chờ ngày hoạt động lại
Tàu cánh ngầm đang nằm bến chờ ngày hoạt động lại

Khi nhận thông tin nêu trên, cả 3 hãng TCN đều bất ngờ bởi hầu hết đang trong tư thế khắc phục khiếm khuyết để được hoạt động lại. Ông Trịnh Thanh Chương, Giám đốc Công ty CP Dòng Sông Xanh (Greenline), lo lắng: “Kiến nghị của Bộ GTVT sẽ khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh bế tắc và xoay xở không kịp”.

Vì tin tưởng sau khi kiểm tra, chấn chỉnh, TCN sẽ được hoạt động lại, Greenline đã lên phương án vay vốn đóng thêm 4 chiếc mới, dự kiến thay thế 4 TCN cũ chạy tuyến TP HCM - Vũng Tàu và chạy tuyến mới Cần Thơ - Vũng Tàu.

“Chúng tôi đã đóng xong 1 TCN đang chờ đăng kiểm, 3 chiếc còn lại nếu vay vốn xong sẽ đóng nốt. Mỗi TCN trị giá khoảng 1 triệu USD. Công ty còn bỏ ra hơn 3 tỉ đồng sơn phết, sửa chữa 1 TCN để hoạt động lại. Thế nhưng, mọi thứ đã trở nên ách tắc” - ông Chương lo lắng.

Trước đó, ngày 2-4, Công ty TNHH Vận tải Quang Hưng (hãng tàu Petro Express) đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ kiến nghị xem xét cho phép TCN hoạt động trở lại để doanh nghiệp không rơi vào cảnh phá sản và giúp công nhân, thuyền viên có công ăn việc làm trở lại. Công ty này cũng vừa bỏ ra hàng chục tỉ đồng để đầu tư, sửa chữa, khắc phục những khiếm khuyết của TCN mà đoàn kiểm tra của Bộ GTVT yêu cầu.

Nguy cơ phá sản

Chủ các hãng TCN cho biết nếu không sớm được hoạt động, có thể họ sẽ phá sản. Tại Greenline, từ năm 2013 đến nay, TCN chỉ hoạt động được 6 tháng, hơn 7 tháng còn lại bị dừng hoạt động do nhiều sự cố rồi chờ kiểm tra… Tuy không hoạt động nhưng công ty vẫn phải chi hơn 6 tỉ đồng để trả lương cho cán bộ, thuyền viên, đội ngũ bảo trì và cả phí neo đậu, bến bãi.

“Thời gian TCN dừng hoạt động lại rơi vào mùa khách tăng cao. Không chỉ thất thu mà nếu hoạt động lại, nhiều khả năng TCN còn mất thị trường vì khách thay đổi thói quen. Chưa kể, gần 100 nhân viên phải nghỉ việc, trong đó có nhiều cán bộ giỏi ra đi khiến công ty rất xót xa.

Nếu TCN tiếp tục dừng hoạt động sẽ khiến các đối tác, ngân hàng e ngại trong quá trình cho chúng tôi vay vốn. TCN đã có 20 năm đóng góp cho vận tải đường sông. Chúng tôi kiến nghị Bộ GTVT xem xét sớm gút lại số phận của TCN, nếu cho dừng hẳn thì phải có lộ trình để doanh nghiệp không khốn đốn” - ông Chương mong mỏi.

Hãng Petro Express cũng từng có 150 nhân viên làm việc. Tuy nhiên thời gian qua, công ty phải cắt giảm nhiều lao động để chờ quyết định cuối cùng. Ông Trần Quốc Hiệu, Giám đốc Petro Express, băn khoăn: “Chúng tôi đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ rồi. Nếu TCN tiếp tục dừng hoạt động thì công ty sẽ khó khăn gấp bội”.

Công ty CP Tàu cao tốc Vina (Vina Express) cũng trong tình cảnh tương tự. Lãnh đạo công ty này cũng kiến nghị sớm cho TCN hoạt động trở lại để doanh nghiệp không rơi vào cảnh phá sản.

Doanh nghiệp nhát tay

TCN rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười như hiện nay có nhiều nguyên nhân. Trong đó, ý thức về bảo đảm an toàn giao thông của một số doanh nghiệp và cả cơ quan chức năng còn bị xem nhẹ. Những cuộc kiểm tra dồn dập chỉ được thực hiện khi sự cố TCN xảy ra.

“Hầu hết những TCN cũ đương nhiên chất lượng không ổn bằng tàu mới, chúng tôi vẫn bỏ tiền sửa chữa, bảo dưỡng nhưng công nghiệp phụ trợ của ngành tàu thủy Việt Nam còn hạn chế. Điều này thì Bộ GTVT cũng phải nhìn nhận và suy nghĩ lại.

Chưa kể, các quy định liên quan đến TCN còn mập mờ, không nhất quán. Chẳng hạn, 2 năm qua, Bộ GTVT bàn về niên hạn TCN nhưng vẫn chưa gút khiến các chủ tàu muốn đầu tư thay mới phương tiện cũng nhát tay” - một chủ hãng TCN nhìn nhận.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo