Tại văn bản vừa ký ban hành, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo nội dung nói trên.
Theo đó, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, Phó Thủ tướng giao Bộ Công an tăng cường mở các chuyên án đấu tranh phòng chống hoạt động trái phép trong khai thác, vận chuyển và tiêu thụ cát, sỏi xây dựng; xem xét khởi tố hình sự một số vụ án trọng điểm. Trước mắt, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các địa phương mở đợt cao điểm đấu tranh chống “cát tặc” đến ngày 1-6-2017. Trường hợp phát hiện cán bộ, đảng viên có hành vi “bảo kê”, tiếp tay, bao che, dung túng phải xử lý nghiêm minh.
Phó Thủ tướng còn giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng văn bản quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong việc lập, phê duyệt quy hoạch, cấp phép khai thác; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 4-2017. Ngoài ra, Bộ GTVT tạm dừng cấp mới giấy phép các dự án xã hội hóa tận thu cát nhiễm mặn để bù chi phí nạo vét, duy tu các tuyến luồng đường thủy; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án đang thực hiện, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu xây dựng thay thế cát tự nhiên. Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khai thác khoáng sản thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng chính sách quản lý chặt chẽ đối với hồ sơ quyết toán các dự án công trình lớn sử dụng cát, sỏi xây dựng; ngăn chặn tình trạng mua bán hóa đơn, hợp thức hóa chứng từ đối với cát, sỏi xây dựng.
* Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, vừa có văn bản chỉ đạo Công an tỉnh, Sở GTVT với hợp với các sở, ngành, UBND TP Hội An vào cuộc điều tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh về việc một số doanh nghiệp lợi dụng nạo vét khơi thông luồng đường thủy Cửa Đại và thực hiện dự án kè khẩn cấp chống xâm thực bờ biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) để hút trộm cát, bán cho Công ty CP Trung Nam (trụ sở ở Đà Nẵng) thi công san nền công trình khu đô thị mới quốc tế Đa Phước (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
Liên quan đến vụ việc này, vừa qua, báo chí còn phát hiện Công ty CP Trung Nam đã ký kết một hợp đồng trị giá 60 tỉ đồng với Công ty TNHH Tuấn Sinh (tỉnh Nam Định) để hút 1 triệu m3 cát ở vùng biển Cửa Đại phục vụ san lấp khu đô thị mới quốc tế Đa Phước. Lãnh đạo Công ty CP Trung Nam thừa nhận có ký hợp đồng với Công ty Tuấn Sinh nhưng đến thời điểm hiện tại “vẫn chưa mua được cát nên chưa chở khối nào về Đà Nẵng”.
Trao đổi thêm với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, thông tin khu vực biển Cửa Đại có 2 dự án, gồm dự án “Nạo vét bảo đảm giao thông khu vực Cửa Đại” (do Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa thuộc Cục Đường thủy nội địa - Bộ GTVT làm chủ đầu tư) và dự án “Chống sạt lở khẩn cấp bờ biển Hội An” (do UBND TP Hội An làm chủ đầu tư). Cả 2 dự án này đều nạo hút cát khai thông luồng lạch để bơm cát lên bờ nhằm chống sạt lở ở Cửa Đại, với tổng khối lượng 150.000 m3 cát. Ông Hùng còn tiết lộ phía Hội An có ký hợp đồng với Công ty TNHH Thành Đô nhưng công ty này không có tàu lớn nên đã chuyển sang hợp đồng với một doanh nghiệp có trụ sở ở tỉnh Nam Định. Theo ông Hùng, quá trình điều tra sẽ làm rõ có hay không các doanh nghiệp bắt tay để hút cát trộm. Còn đến thời điểm này, cơ quan chức năng chưa bắt quả tang được tàu nào hút trộm cát chở ra Đà Nẵng bán.
Bình luận (0)