Ngày 7-3, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp với hơn 20 bộ, ngành, chính quyền địa phương để làm rõ thực trạng khai thác cát trái phép và giải pháp ngăn chặn.
Chính quyền sợ lãnh họa
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cho biết trong năm 2016, lực lượng chức năng địa phương đã bắt giữ 157 vụ khai thác cát trái phép nhưng chỉ xử lý hình sự 1 vụ, còn lại là xử lý hành chính. Thời gian qua, địa phương này có 10 nhóm, 40 đối tượng khai thác cát lậu; đến nay vẫn còn 2 nhóm lén lút hoạt động. Việc ngăn chặn “cát tặc” theo ông Chánh là khó triệt để bởi các đối tượng khai thác từ 23 giờ đến 3 giờ. Khi cơ quan chức năng phát hiện, họ thường nhận chìm ghe, sẵn sàng chống đối và chế tài xử lý hành vi này cũng chưa đủ.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương, cát tặc dùng toàn tàu công suất lớn hút trong vài giờ là được hàng trăm khối cát. Họ dùng tàu không số, người không giấy tờ, sẵn sàng đáp trả lực lượng chức năng. “Chúng tôi bắt một vụ. Sau đó, họ đánh chìm tàu. Cuối cùng, chủ tịch xã bị xử lý kỷ luật. Xác định thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng cũng rất khó vì khi bắt được, họ đổ cát xuống sông, tự đánh chìm tàu. Đề nghị chế tài nặng hơn như tịch thu tang vật bán đấu giá” - ông Cương đề xuất.
Phát biểu với nụ cười như mếu, đại diện tỉnh Khánh Hòa nói: “Đấu “cát tặc” dễ gây họa cho cấp huyện, xã. Giữ một cái tàu mà để họ đánh chìm, sau đó họ kiện ra tòa thì mình thua trắng”.
Mở đợt đấu tranh cao điểm
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, nêu tình trạng doanh nghiệp đăng ký xuất cát trắng sang các tỉnh khác nhưng khi đến các tỉnh khác thì họ xuất khẩu đi nước ngoài.
Tương tự tại Quảng Nam, tỉnh này đã cấm xuất khẩu cát trắng từ năm 2010 nhưng các địa phương khác lại không cấm. Do đó, doanh nghiệp đến Quảng Nam mua rồi về địa phương khác xuất đi nước ngoài.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn thông tin lực lượng của quân đội đã tổ chức 3 dự án nạo vét kết hợp khai thác cát, sau đó xảy ra sạt lở nên đã dừng 2 dự án. Mỗi doanh nghiệp khai thác 1 triệu m3 để xuất khẩu. “Dự án nạo vét này phục vụ quốc phòng nên tiếp tục hay không là phụ thuộc vào Bộ Quốc phòng. Riêng xuất khẩu thì chúng tôi đề nghị dừng hẳn. Bộ Quốc phòng cần phối hợp với chúng tôi để giám sát nạo vét bởi hồ sơ thiết kế của Bộ Quốc phòng là hồ sơ mật nên chúng tôi không tiếp cận được” - ông Nhịn bày tỏ.
Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, cho biết quân đội có 3 dự án khai thác cát, trong đó 2 dự án đang triển khai. Các dự án này đều được cơ quan chức năng cho phép là quân cảng 5 ở Kiên Giang và quân cảng Đà Nẵng. “Do yêu cầu quan trọng trong việc phục vụ quốc phòng, đề nghị Phó Thủ tướng và các bộ ngành cho phép tiếp tục 3 dự án này” - ông Nam nói.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, thông tin cả nước có hơn 306 mỏ cát đã cấp cho các doanh nghiệp khai thác, hơn 200 dự án nạo vét kết hợp tận thu khoáng sản được triển khai. Tất cả các điểm khai thác đều có tên, tuổi, được cấp phép và nhà nước có thu thuế chứ không phải “đạo tặc”, dù vậy vẫn xảy ra nhiều sai phạm. Ví dụ, khối lượng nạo vét chỉ sâu 5 m nhưng thực tế cho tàu hút sục xuống 15 m, vượt quá phạm vi luồng lạch nạo vét, đe dọa an toàn đê sông, đê biển, thất thoát tài nguyên.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá đến nay, hoạt động khai thác cát sỏi vẫn diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn hiệu quả. Chia sẻ với những khó khăn của các địa phương song Phó Thủ tướng cho rằng nguyên nhân chủ quan khiến “cát tặc” lộng hành là do địa phương buông lỏng quản lý, nương tay, thậm chí bao che, nếu không muốn nói là bảo kê. Thực tế, hoạt động hút cát nhiều khi vẫn diễn ra công khai, ban ngày mà không bị xử lý. Đằng sau hoạt động của lực lượng này có bóng dáng của tội phạm có tổ chức, “xã hội đen”, có xu hướng tiêu cực từ cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
“Trước mắt, Bộ Công an mở đợt đấu tranh cao điểm chống “cát tặc” từ ngày 15-3 đến 1-6. Xem xét khởi tố một số vụ án trọng điểm để góp phần răn đe. Kiến nghị TAND Tối cao hướng dẫn xử lý trước mắt, có án lệ, chứ để bó tay là không được” - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định nơi nào để tình trạng khai thác cát sỏi trái phép kéo dài thì phải xử lý người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương. Với các xã giáp ranh, chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm, giáp ranh huyện thì chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm, giáp ranh các tỉnh thì trung ương phải vào cuộc. Phát hiện cán bộ bao che, bảo kê vi phạm thì xử lý nghiêm minh.
Đề nghị đưa “bóng cười”, shisha vào kiểm soát
Cùng ngày, tại hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình phòng - chống tội phạm đến năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2017 của Ban Chỉ đạo 138, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, Thiếu tướng Đinh Văn Toản, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng chế tài xử lý đối với loại hình kinh doanh “bóng cười”, shisha.
Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP HCM, đề nghị Chính phủ có ý kiến chỉ đạo thống nhất về người nghiện ma túy đá có dấu hiệu đến mức loạn thần thì cần cách ly để phòng ngừa. Đối với vấn đề cai nghiện tại cộng đồng, đề nghị nghiên cứu, cụ thể hóa trong những trường hợp không ràng buộc được trách nhiệm của gia đình đối với người nghiện.
Bình luận (0)