![img](https://nld.mediacdn.vn/FiK0Z4aepJNNygnASUzS2VM5ejxfq3/Image/2012/04/18/89chan_14828.jpg)
Bước ngoặt lịch sử
TS Lê Đăng Doanh khi đó là viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Phó Ban Soạn thảo Luật DN. Ông nhớ lại: “Thời điểm đó, thương giới khổ lắm, muốn thành lập DN phải có đủ 35 chữ ký và 32 con dấu, thời gian từ 6 tháng đến 1 năm, thậm chí vài năm; đối với những ngành nghề “nhạy cảm” thì lâu hơn. Các giấy phép con thì 3-6 tháng cấp một lần khiến người kinh doanh chưa kịp làm ăn đã lo đi xin giấy phép. Ví dụ ở Hà Nội, sau khi tập hợp đầy đủ con dấu và chữ ký, hồ sơ DN còn phải qua một hội đồng thẩm định do phó chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì, họp vào chiều thứ bảy hằng tuần. Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội lúc ấy là ông Đinh Hạnh cho hay trước khi ông ký thì phải có chữ ký, con dấu của tất cả các giám đốc sở, quận - huyện; các sở, quận - huyện thì đòi phải có chữ ký của cấp xã, phường và dĩ nhiên trước khi cấp xã, phường ký phải có chữ ký của cấp xóm, thôn, đoàn, hội… Mỗi buổi chiều thứ bảy tối đa chỉ ký được 2-3 hồ sơ nên cả năm TP Hà Nội chỉ có thêm hơn 100 DN. Tại các địa phương khác, hội đồng này họp hằng tháng, thậm chí hằng quý nên số lượng DN ra đời rất hạn chế”.
TS Trần Xuân Giá, lúc ấy là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Trưởng Ban Soạn thảo Luật DN. Ông kể: “Ý muốn, tâm niệm ban đầu của ban soạn thảo là phải có những thay đổi cơ bản cốt làm sao việc ra đời một DN đơn giản nhất, nhanh nhất, rẻ nhất để những người có kế hoạch và điều kiện kinh doanh không bị mất thời cơ. Thay đổi cơ bản bắt đầu từ nhận thức lại cho đúng là việc tự do làm ăn, tự do mưu sinh của người dân đã được Hiến pháp công nhận. Quyền đó là bất khả xâm phạm và là quyền của người dân chứ không phải là quyền của cơ quan công quyền. Vì vậy, muốn thành lập DN để kinh doanh bất kể ngành nghề gì mà pháp luật không cấm, công dân chỉ phải đăng ký, không phải xin phép, Nhà nước không có quyền ban phát cho bất kỳ ai mà chỉ có nghĩa vụ tạo điều kiện cho dân thực hiện quyền của mình. Đây là thay đổi lớn nhất về mặt tư duy mà Ban Soạn thảo Luật DN đưa vào luật. Để đạt được sự thay đổi này trên thực tế và hiện thực hóa nó trong các điều luật cụ thể là một cuộc “đấu tranh” gay go và không kém phần quyết liệt”.
![img](https://nld.mediacdn.vn/FiK0Z4aepJNNygnASUzS2VM5ejxfq3/Image/2012/04/18/89chan2_b16c6.jpg)
Hành trình gian nan
“Chúng tôi phải trả lời từng chất vấn một, vất vả lắm mới bảo vệ được quan điểm ban đầu” - TS Lê Đăng Doanh nhớ lại.. |
Về điều kiện kinh doanh, dự thảo luật bỏ giấy phép thành lập, áp dụng chế độ đăng ký với các tiêu chí rõ ràng, đơn giản. Điều này cũng bị không ít người quyết liệt phản đối vì “làm sao quản lý được?”, “tôi là chủ tịch tỉnh, tôi phải có quyền, tôi biết người nào tốt, làm ăn đàng hoàng tôi mới cho kinh doanh”, “vậy người mới ra tù cũng được lập DN?”… Ông Lê Đăng Doanh kể: “Chúng tôi phải trả lời từng chất vấn một, vất vả lắm mới bảo vệ được quan điểm ban đầu. Khi ra Quốc hội, anh Giá trực tiếp đứng ra giải trình. Một máy fax được gắn gần chỗ anh ấy đứng. Tôi và anh Nguyễn Đình Cung, anh Trần Hữu Huỳnh, chị Phạm Chi Lan… cùng ngồi ở phòng sau Hội trường Ba Đình. Trước các câu chất vấn hóc búa, chúng tôi thống nhất nội dung trả lời rồi fax ra cho anh Giá và đoàn thư ký để tham khảo, giải trình thêm thuyết phục”…
Kỳ tới: Dẹp “loạn” giấy phép con
Bình luận (0)