Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) sửa đổi vào chiều 16-6, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) bày tỏ bức xúc về tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của quỹ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Có thể xử lý hình sự
Cho rằng đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu là chưa hợp lý, ĐB Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh giá việc vỡ quỹ BHXH trong tương lai có nhiều nguyên nhân mà chủ yếu do không thu được bảo hiểm, quản lý yếu kém, bộ máy cồng kềnh… ĐB Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) khẳng định đến nay chưa có bằng chứng thuyết phục nào về việc sức khỏe, môi trường làm việc ở Việt Nam đã được cải thiện nên việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ rất khó chấp nhận.
ĐB Cù Thị Hậu (Hải Dương), nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định Bộ Luật Lao động phải coi là bộ luật gốc, áp dụng thống nhất về độ tuổi nghỉ hưu. Thế nhưng, tại kỳ họp này, có tới 4 dự thảo luật đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, gồm: Luật Công chứng, Luật Tổ chức VKSND, Luật Tổ chức TAND và Luật BHXH.
Theo ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định), những vi phạm trong sử dụn quỹ BHXH, chây ì, trốn đóng BHXH phải được xử lý như hành vi trốn thuế, áp dụng mức truy thu, thậm chí cao nhất là có thể xử lý bằng các biện pháp hình sự.
Không áp đặt
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng dự thảo cần xác định rõ vị trí của BHXH Việt Nam bởi cơ quan này đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội rất lớn. Tuy nhiên, BHXH vẫn chưa được đặt đúng vị trí và vai trò, cùng lúc chịu sự quản lý chia cắt của 3 bộ (Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Tài chính) nên việc quản lý chưa chặt chẽ, dẫn tới những sai phạm nhất định trong thời gian qua. Ông Cương dẫn chứng việc BHXH cho Công ty Cho thuê tài chính II vay vốn cả ngàn tỉ đồng là có dấu hiệu cố ý làm trái, hậu quả để lại không nhỏ nhưng lãnh đạo BHXH Việt Nam lại chỉ bị cảnh cáo, xử lý hành chính.
Theo ông Cương, chi phí quản lý bộ máy của BHXH tăng khá nhanh: từ năm 2007-2012 bình quân tăng 1,25-1,44%/năm; riêng năm 2013, chi phí quản lý tăng trên 3% so với số thu BHXH. “Đồng ý với những ý kiến cho rằng chi phí quản lý bộ máy BHXH phải lấy từ ngân sách, không thể lấy từ tiền đóng BHXH của người lao động bởi tiền này phải được chi trả cho người lao động. Việc quy định lấy từ khoản sinh lời để đỡ gánh nặng cho ngân sách cũng cần cân nhắc và khống chế mức một cách thận trọng” - ông Cương bày tỏ.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Phụng (TP HCM) nói việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu phải dựa trên sức khỏe của người Việt Nam, không thể lấy thống kê, nghiên cứu của các nước trên thế giới để áp đặt thực hiện. “Theo thuyết trình của Chính phủ, nếu áp dụng quy định hiện nay thì BHXH không còn khả năng chi trả lương hưu vào năm 2034; từ nay tới đó là 20 năm, không phải dài cũng không quá ngắn nhưng chưa phải vấn đề cấp bách hiện nay. Vấn đề cấp bách phải làm ngay là việc nợ đọng BHXH của nhiều doanh nghiệp, công ty, người sử dụng lao động” - ông Phụng nói và dẫn ra báo cáo của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH cho biết số tiền nợ đó đã lên tới gần 5.000 tỉ đồng; năm 2013 có 521 doanh nghiệp nợ BHXH với trên 1.600 tỉ đồng.
Nêu lại câu chuyện BHXH cho Công ty Cho thuê tài chính II vay hơn 1.010 tỉ đồng gây thất thoát và khó có khả năng thu hồi, ông Phụng thắc mắc về việc đến nay chưa thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm hoàn trả, bồi thường.
Người lao động phải biết về tình trạng BHXH
Trao đổi với báo chí bên hành lang QH ngày 16-6, ĐB Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng để giải quyết vấn đề các doanh nghiệp nợ đọng BHXH thì nên quy định để người lao động được biết thông tin về BHXH bất cứ lúc nào, thông qua cơ sở dữ liệu của ngành BHXH. Có thể giao tổ chức Công đoàn cấp tỉnh làm đầu mối cung cấp thông tin cho người lao động, cung cấp bằng nhiều cách thức khác nhau. Làm được như thế, trước hết, người lao động không bị lệ thuộc vào chủ sử dụng lao động, có quyền được kiểm tra về mặt thông tin mà họ đã đóng BHXH. Hơn nữa, Công đoàn có cơ hội và điều kiện thực hiện việc giám sát, ngay cả giám sát người sử dụng lao động và cơ quan BHXH nhưng quan trọng hơn hết chính là người lao động. Qua đó, người lao động biết được doanh nghiệp đã thu tiền bảo hiểm của mình có nộp cho BHXH hay không. Với những doanh nghiệp nợ BHXH thì người lao động có thể xin nghỉ để áp dụng các biện pháp cần thiết. Điều này có thể có hiệu quả lớn hơn trong tổng thể nền kinh tế. Đó là sự công bằng với tất cả các thành phần kinh tế, nhất là những doanh nghiệp đã thực hiện tốt chế độ chính sách BHXH.
Theo ông Hải, hiện 156 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có chủ bỏ trốn, đồng nghĩa với hơn 5.500 người lao động ở các doanh nghiệp này mất trắng hoàn toàn quyền lợi. Ngoài ra, những doanh nghiệp tuy không có chủ bỏ trốn nhưng nợ đọng BHXH cũng chưa có cơ chế giải quyết một cách căn cơ. Ngành BHXH đã khởi kiện hơn 2.400 đơn vị nợ BHXH nhưng số tiền thu cũng chỉ được hơn 28,7%. Nếu người lao động ở những doanh nghiệp này biết được thông tin về tình trạng BHXH của mình, có thể mọi sự đã khác.
Bình luận (0)