Chiều 28-3, tại Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực III, Cục Hàng hải Việt Nam đã họp khẩn tìm phương án tìm kiếm 9 thuyền viên mất tích của tàu Hải Thành 26-BLC
Thuyền trưởng tàu Hải Thành 26-BLC Nguyễn Viết Thắng (thứ 2 từ phải sang) được đưa lên xe cứu thương Ảnh: NGỌC GIANG
Theo báo cáo sơ bộ của Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC), vào lúc 4 giờ 37 phút ngày 28-3, đơn vị này nhận tín hiệu báo nạn từ phao EPIRB của tàu Hải Thành 26-BLC tại vị trí 10018’N-107045’E trên vùng biển Vũng Tàu (cách Vũng Tàu khoảng 44 hải lý về phía Đông).
Theo khai báo ban đầu của thuyền viên Hoàng Tiến Khôi, tàu có trọng tải 3.074 tấn, đang chở clinker từ Hải Phòng đi Cần Thơ thì bị một tàu va chạm và đâm ngang. Tàu chìm rất nhanh. Thời điểm này, trên tàu có 11 thuyền viên, trong đó 5 người đứng trên boong.
Ngay sau khi nhận được tin tai nạn, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam, Vietnam MRCC xác định vị trí các tàu gần khu vực xảy ra tai nạn đến ứng cứu. Vietnam MRCC đã phát thông báo hàng hải và điều động tàu Petrolimex 14 (cách vị trí báo nạn khoảng 4,5 hải lý) cứu nạn, đồng thời điều động 2 tàu xuất phát từ Vũng Tàu đến hiện trường.
Tàu Petrolimex 14 đã tiếp cận phao bè, đưa lên tàu thuyền trưởng Nguyễn Viết Thắng và sĩ quan boong Hoàng Tiến Khôi. Ông Nguyễn Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cho biết: “Thời gian tàu chìm quá nhanh, chỉ trong vòng 3-5 phút nên có thể thuyền viên không thoát ra kịp. Chúng tôi tiếp tục tìm kiếm cứu nạn, lên kế hoạch khảo sát độ sâu hiện trường để lực lượng chức năng tổ chức đội lặn tìm kiếm”.
Còn theo ông Lương Trường Phi, Phó Giám đốc Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực III, cần tìm kiếm vào bên trong tàu, đồng thời cho khóa các van dầu ở khoang máy tránh dầu tràn ra môi trường.
Được biết, phạm vi tìm kiếm cứu nạn có thể lên đển 285 hải lý vuông. Ở hiện trường, ngoài tàu SAR 413, SAR 272 của Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực III thì các tàu của biên phòng, cảnh sát biển, hải quân và tàu cá của các ngư dân đang tích cực tổ chức tìm kiếm.
Danh sách các thuyền viên vẫn đang mất tích gồm: máy trưởng Phạm Hữu Thược; đại phó Lương Văn Quỳnh; thủy thủ Nguyễn Viết Duy, Nguyễn Trường Đại, Mai Văn Dương; sĩ quan máy Vũ Thế Kiên; các thợ máy Ninh Văn Quỳnh, Lê Văn Ba; đầu bếp Nguyễn Văn Khuyên.
Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi lời thăm hỏi, động viên đối với các thuyền viên bị nạn, thân nhân của các thuyền viên đang còn mất tích và yêu cầu các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp khẩn cấp tìm kiếm số thuyền viên hiện mất tích; phối hợp với Bộ Công an làm rõ nguyên nhân xảy ra tai nạn.
Cứu 2 tàu cá gặp nạn trên biển
Chiều 28-3, tàu Cảnh sát biển 6001 của Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 2 (đóng tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đã lai dắt thành công tàu cá KH-94888 TS cùng 10 ngư dân gặp nạn trên biển vào bờ an toàn.
Cùng ngày, tàu cứu nạn SAR27-01 thuộc Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực IV (Nha Trang MRCC) đã lai dắt tàu cá vỏ thép BĐ 99999-TS cùng 8 ngư dân về cảng Nha Trang (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) an toàn. Trước đó, đêm 26-3, tàu cá này do ông Lê Văn Thiểu (49 tuổi; trú xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) làm thuyền trưởng bị hỏng, máy thả trôi ở cách bờ biển Nha Trang khoảng 70 hải lý.
Tr.Thường - K.Nam
Bình luận (0)