xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Mổ xẻ” toàn diện nền kinh tế

Thế Dũng thực hiện

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng cần “mổ xẻ” toàn diện nền kinh tế đất nước để xác định đang ở đâu trên con đường trở thành nước công nghiệp hiện đại hóa

Phóng viên: Thưa ông, đâu là vấn đề được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm và “nóng” nhất của kỳ họp lần này?

- Ông Nguyễn Đức Kiên: Vấn đề “nóng” và được các ĐBQH cũng như cử tri cả nước quan tâm nhất chính là cho ý kiến dự thảo Văn kiện trình Đại hội ĐB toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Tôi mong mỏi tại kỳ họp này, các ĐB tập trung đánh giá tổng thể bức tranh kinh tế 5 năm qua (2011-2015); đánh giá về việc thực hiện Cương lĩnh của Đảng năm 1991 và năm 2011, với mục tiêu đến năm 2020 “Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. QH phải làm rõ chúng ta đang ở đâu, vị trí nào trên con đường trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa. Tại sao chúng ta lại chậm, chậm ở khâu nào, vị trí nào để tìm ra lời giải đúng.

 

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

 

Tôi kiến nghị kỳ họp này không chỉ xem lại kinh tế đất nước năm 2015 mà cần nhìn lại các năm trước đó để “mổ xẻ” làm rõ tại sao không hoàn thành kế hoạch 5 năm. Lỗi do đâu phải phân tích để chỉ rõ nguyên nhân, từ đó tránh lặp lại và đề ra giải pháp khắc phục trong năm 2016 và các năm tiếp theo.

Ông đánh giá như thế nào về bức tranh kinh tế 5 năm qua?

- Kinh tế đất nước tăng trưởng liên tục trong những năm qua cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang dần rời xa khủng hoảng. Như vậy, điều hành kinh tế vĩ mô so với cân đối về tín dụng, lạm phát đạt tiến bộ khá.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn bộc lộ những hạn chế, như tỉ lệ bội chi còn cao hơn kế hoạch đặt ra, đặc biệt là phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) có vấn đề. Cùng với đó là năm 2015, nhập siêu quay lại sau 3 năm xuất siêu liên tiếp (2012, 2013, 2014)… Điều này cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro, chưa bền vững và thực tế cho thấy nhiều vấn đề đi ngược lại dự báo.

Tại kỳ họp, ông sẽ góp ý cụ thể những vấn đề gì đối với văn kiện chuẩn bị Đại hội Đảng XII?

- Tôi sẽ góp ý về mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, kinh tế vùng, về mối tương quan giữa không gian phát triển kinh tế và không gian hành chính. Đối với mô hình tăng trưởng của nền kinh tế đã bộc lộ sự không ổn định, thiếu bền vững. Dẫn chứng cụ thể là 3 năm 2012, 2013, 2014 xuất siêu 2 tỉ USD thì đến năm 2015, nhập siêu 6-8 tỉ USD. Tại sao trong 1 năm mà kết quả lại đảo chiều nhanh như vậy? Các chính sách vĩ mô có gì đột biến đã dẫn tới kết quả như vậy cần được đặt lên bàn nghị sự làm rõ.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tiến độ chậm so với nghị quyết của Đảng là hoàn thành trong năm 2015. Việc chậm do đâu cần được phân tích, làm rõ để khắc phục.

 

Cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất theo hướng hiện đại hóa Ảnh: TẤN THẠNH
Cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất theo hướng hiện đại hóa Ảnh: TẤN THẠNH

 

Còn về kinh tế vùng, những năm qua nở rộ tình trạng nhiều tỉnh đua nhau làm cảng biển, sân bay, khu công nghiệp... Dù vậy, chúng ta đã không chuyển được lợi thế cạnh tranh quốc gia vào một không gian cụ thể, dồn lực đầu tư để đạt được sức cạnh tranh lớn so với quốc tế. Bằng chứng là Bà Rịa - Vũng Tàu rất có lợi thế về vị trí địa lý, tự nhiên… nhưng đã không được đầu tư đúng mức để phát triển thành cảng biển lớn. Các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ như TP HCM, Bình Dương đầu tư như thế nào để kết nối với lợi thế cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chưa thấy gì cụ thể.

Tại phiên họp tuần qua, Ủy ban Thường vụ QH nghe và cho ý kiến Đề án phát hành 3 tỉ USD TPCP ra thị trường vốn quốc tế đến năm 2020 để tái cơ cấu các khoản nợ TPCP trong nước đã phát hành trong giai đoạn 2015-2016. Ông nhìn nhận thế nào về đề án này?

- Điều này phản ánh cơ cấu nợ công đang có vấn đề và cảnh báo nền kinh tế làm ra không đủ để trả nợ, dẫn đến phải vay để cơ cấu lại nợ công. Đây chính là tiềm ẩn rủi ro mà tôi đã nói.

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước thoái hết vốn nhà nước tại 10 DN lớn. Theo ông, thời điểm này có phù hợp?

- Nghị quyết của Đảng đã nói rất rõ và quan điểm của Đảng trước sau như một là “những gì nhân dân làm được thì để nhân dân làm”. Nhà nước lại đi bon chen, thấy có lợi cũng ham làm thì làm sao “dân giàu, nước mạnh” được. Hơn nữa, tái cơ cấu DNNN là 1 trong 3 lĩnh vực của tái cơ cấu nền kinh tế (đầu tư công, DNNN và hệ thống ngân hàng) mà chúng ta phải quyết liệt thực hiện.

 

Tốc độ tăng trưởng còn dựa vào đầu tư ngân sách

Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 đã nhìn nhận vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng nếu nhìn tốc độ tăng trưởng kinh tế đất nước trong 4 năm, từ năm 2012 trở lại đây và so sánh với tốc độ phát hành TPCP, tốc độ tăng nợ công của thời gian này thì còn nhiều vấn đề phải “mổ xẻ”. Ông nhấn mạnh: “Ngoài số vốn TPCP 225.000 tỉ đồng đã được QH duyệt đầu nhiệm kỳ 5 năm, chúng ta còn bổ sung 162 tỉ đồng TPCP cho mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Nói vậy để thấy tốc độ tăng trưởng những năm vừa qua chủ yếu vẫn dựa vào nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn nhiều yếu tố thách thức cho nền kinh tế. ”.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo