Vấn đề hoãn chuyến bay (delay) trở thành nội dung nóng tại buổi làm việc của tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) ngày 16-8. Đây cũng là một trong 5 vấn đề được tổ công tác nêu tại cuộc họp, bên cạnh các nội dung lớn như bảo đảm an toàn an ninh; nâng tần suất cất/hạ cánh; bảo đảm an toàn bay; cổ phần hóa; đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của ngành hàng không.
Nên điều chỉnh hàng không giá rẻ
Nhắc lại hiện tượng chậm, hoãn chuyến bay tăng cao trong thời gian qua, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, khẳng định đây là vấn đề dư luận rất quan tâm. Bảy tháng đầu năm, tỉ lệ chuyến bay đúng giờ của VNA tăng lên nhưng các hãng hàng không khác lại giảm mạnh. Cần phân tích rõ nguyên nhân do hạn chế về hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật, do khách quan hay lỗi chủ quan, không thể cứ chậm, hoãn chuyến là đổ lỗi do thời tiết. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị ngành hàng không phải thực hiện kỷ luật nghiêm đối với hiện tượng delay. "Hành khách không thể chấp nhận delay chuyến này rồi lên máy bay khác vẫn tiếp tục delay. Chúng tôi bay không bị delay nên không biết thế nào, còn khách thì họ không chấp nhận được" - ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Hành khách không thể chấp nhận hoãn chuyến này rồi lên máy bay khác vẫn tiếp tục hoãn Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Giải trình, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, thông tin 67% chuyến bay delay là do máy bay về muộn. Trong hoạt động hàng không, điều hành bay, phục vụ mặt đất và kết cấu hạ tầng giống nhau nhưng tỉ lệ delay của mỗi hãng lại rất khác nhau. Cụ thể, tỉ lệ chậm, hoãn chuyến của VNA là 11%-13% nhưng của Vietjet và Jetstar lại hơn 30%. Chứng tỏ nguyên nhân delay là do năng lực vận hành của các hãng mà trực tiếp là sắp xếp, tính toán kế hoạch khai thác máy bay.
Tổng Giám đốc VNA, ông Dương Trí Thành, đánh giá thị trường hàng không tăng trưởng quá nóng trong thời gian gần đây với sự bùng nổ của hàng không giá rẻ gây áp lực không lường trước đối với hạ tầng, ảnh hưởng đến tính bền vững của ngành.
Cho rằng đây là cách đặt vấn đề rất đúng, GS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nêu quan điểm sự bùng nổ của hàng không giá rẻ đem lại cơ hội cho mọi người dân đều được bay nhưng lại gây tắc nghẽn hạ tầng giao thông đô thị ở TP HCM, cản trở tăng trưởng. Nếu tiếp tục tăng công suất cho sân bay Tân Sơn Nhất sẽ không thể gỡ được bài toán giao thông đô thị, cần tính toán giải pháp chuyển khai thác của các hãng giá rẻ ra sân bay Biên Hòa.
Giảm phí trước khi tính chuyện tăng giá
Nói về việc doanh nghiệp hàng không đang đặt vấn đề tăng giá, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng đây là câu chuyện phải tính. Tuy nhiên, tăng giá là đánh vào giá vé nên trước khi tính giải pháp tăng giá vé cần tính toán chuyện tiết kiệm chi phí quản lý và các chi phí khác. Bộ trưởng cũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng trước cuộc họp đã lưu ý với tổ công tác xem xét vì sao doanh thu 6 tháng đầu năm của VNA tăng cao nhưng lợi nhuận lại giảm, chỉ đạt hơn 87 tỉ đồng, nộp ngân sách 600 tỉ đồng là thấp so với vị thế của doanh nghiệp.
Trước báo cáo khá cụ thể của đại diện VNA về việc phải gánh nhiều đường bay chính trị, đồng thời với việc một số đường bay quốc tế đang trong giai đoạn lỗ kế hoạch, tăng đầu tư từ vốn của doanh nghiệp là nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng cần có cơ chế để VNA tách nhiệm vụ công ích khỏi hoạt động kinh doanh như đối với ngành điện trước đây.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng các doanh nghiệp ngành hàng không đang nắm khối tài sản rất lớn. Có lĩnh vực như quản lý bay, cảng hàng không vẫn độc quyền là nguyên nhân khiến lợi nhuận của ngành chưa cao. Cần đẩy mạnh cổ phần hóa, mở nhiều "kênh" cho các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư mới giải quyết được điểm nghẽn hạ tầng.
Kết luận các vấn đề kiểm tra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá 3 doanh nghiệp hoàn thành 80/84 nhiệm vụ được giao là kết quả rất cao nhưng những giải pháp để hàng không góp phần phục vụ tăng trưởng còn hạn chế. Việc Vietjet tham gia kinh doanh đã khiến thị trường hàng không thay đổi rất nhanh, cho thấy ngành hàng không còn nhiều dư địa phát triển.
Tranh luận quanh số liệu tần suất cất/hạ cánh
Giải trình về nội dung tăng tần suất điều hành bay để hạn chế tình trạng tắc nghẽn trên không, ông Phạm Việt Dũng, Quyền Chủ tịch HĐQT VATM, cho biết thông tin tần suất cất/hạ cánh ở Tân Sơn Nhất 5-7 phút/chuyến của các chuyên gia kinh tế cũng như cơ quan điều hành hiện nay đưa ra là không chính xác. Hiện nay, VATM đang điều hành ở Tân Sơn Nhất 42 chuyến/giờ, tức 1,5 phút/chuyến. Giờ cao điểm điều hành 48 chuyến/giờ; tại Nội Bài là 35 chuyến/giờ, tương ứng với gần 2 phút/chuyến. Mục tiêu không giảm ngay xuống 1 phút được mà sẽ tiến dần đến 1 phút.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng cần tính toán lại con số này xem đã chính xác chưa vì "cả nước nói" chứ không chỉ một vài người. Nếu cần thiết, phải có chính sách giãn giờ bay của các hãng hàng không, tránh tình trạng dồn vào giờ cao điểm. Đồng thời, các hãng phải nghiêm túc thực hiện quy định về bố trí máy bay dự phòng để giảm thiểu tác động dây chuyền khi delay.
Bình luận (0)