Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng lưu ý hàng không phải giảm chi phí trước khi tính chuyện tăng giá vé trong buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) sáng 16-8.
Quang cảnh buổi làm việc ngày 16-8
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá cao nỗ lực của ngành hàng không trong thời gian gần đây trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế xã hội đất nước. "Ngành hàng không đang được hành khách đánh giá rất cao, chất lượng dịch vụ tăng nhiều so với những năm trước đây. Hôm 14-8, Tổ công tác làm việc với ngành đường sắt và nhận thấy ngành này đang xuống dốc cực kỳ nghiêm trọng. Cạnh tranh hiện nay rất quyết liệt, ngành hàng không giành được khách chứng tỏ hàng không phát triển rất lớn, rất tốt vấn đề chất lượng điều hành, chất lượng phục vụ"- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, đánh giá.
Bộ trưởng lưu ý doanh nghiệp hàng không hiện nay đang đặt vấn đề thời gian qua đã đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ nên có thể nghiên cứu tính toán tăng giá tương ứng. Đây là câu chuyện phải tính, song tăng giá là đánh vào giá vé. Do đó, doanh nghiệp cần tính toán tiết kiệm chi phí quản lý và các chi phí khác.
Nhấn mạnh đến hiện tượng chậm, huỷ chuyến bay tăng mạnh trong thời gian gần đây, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị phải làm rõ nguyên nhân để tìm giải pháp khắc phục. Bộ trưởng cho biết đây là vấn đề dư luận hết sức quan tâm. Theo thống kê 7 tháng đầu năm 2017, tỉ lệ chuyến bay đúng giờ của Vietnam Airlines tăng lên nhưng các hãng hàng không khác lại giảm mạnh, cần nghiên phân tích nguyên nhân do hạn chế về hạ tầng, trang thiết bị hay kỹ thuật, do khách quan hay do lỗi chủ quan, không thể cứ chậm, huỷ chuyến là đổ lỗi do thời tiết.
Giải trình vấn đề này, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch ACV, cho biết trong các nguyên nhân gây chậm huỷ chuyến bay thì trên 60% là do máy bay về muộn. Trong hoạt động hàng không, vấn đề điều hành bay, phục vụ mặt đất và kết cấu hạ tầng là dịch vụ cung cấp chung và giống nhau đối với tất cả các hãng nhưng tỉ lệ chậm, huỷ chuyến của mỗi hãng lại rất khác nhau. Cụ thể, tỉ lệ chậm huỷ chuyến của Vietnam Airlines là 11-13% nhưng của Vietjet và Jetstar lại rất cao, lên đến hơn 30%. Điều này chứng tỏ nguyên nhân chậm, huỷ chuyến là do năng lực vận hành của các hãng mà trực tiếp là sắp xếp, tính toán kế hoạch khai thác máy bay. Nếu đặt kế hoạch khai thác máy bay dày quá, khi có ảnh hưởng là sẽ gây phản ứng chậm dây chuyền đến hàng loạt chuyến bay khác.
Bình luận (0)