Thay vì được đổ xuống vùng biển gần Khu Bảo tồn biển Hòn Cau, một trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước, khối lượng vật chất đã được đưa vào nơi khó có thể gây ô nhiễm cho vùng biển này là khu vực cảng tổng hợp Vĩnh Tân. Quyết định này đã chấm dứt hơn 1 tháng giới chuyên môn và dư luận cả nước nóng lên bởi vấn đề môi trường hệ trọng.
Nguồn cơn bắt đầu từ giấy phép mà bộ quản lý cao nhất về môi trường cấp cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm vật liệu nạo vét từ bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Theo đó, khối lượng gần 1 triệu m3 sẽ được đổ xuống vùng biển gần Khu Bảo tồn biển Hòn Cau.
Thông tin vừa phát đi đã khiến nhiều chuyên gia về môi trường cùng dư luận đứng ngồi không yên. Là khu bảo tồn biển quý của cả nước, Hòn Cau hiện có quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với gần 234 loại san hô và các rạn ngầm là bãi đẻ của nhiều loại tôm hùm bông, tôm hùm đỏ và tôm hùm xanh. Ngoài ra, Hòn Cau còn có sự hiện diện của trên 34 loài thủy sinh vật quý hiếm nằm trong danh mục có nguy cơ tuyệt chủng và là bãi đẻ của rùa biển, đồi mồi.
Chính vì thế, việc Bộ TN-MT "bật đèn xanh" cho đổ lượng chất nạo vét xuống vùng biển gần Khu Bảo tồn biển Hòn Cau đã gây lo ngại có thể đe dọa môi trường sinh thái quý hiếm nơi đây. Càng lo hơn khi nhiều nhà khoa học bị mạo danh tham gia thẩm định dự án của đơn vị tư vấn.
Phản biện của giới chuyên môn, công luận cùng ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã đưa đến quyết định "không vì phát triển kinh tế mà hy sinh môi trường", giải tỏa mối đe dọa với Khu Bảo tồn biển Hòn Cau. Cho dù vị "tư lệnh" lĩnh vực môi trường đã trần tình rằng cấp phép không có nghĩa đã được nhận chìm ngay song có thể đặt câu hỏi là nếu không có sự phản biện mạnh mẽ thì liệu bộ có quyết định vì môi trường?
Vụ gần 1 triệu m3 chất nạo vét làm nhớ lại sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung nghiêm trọng do Formosa gây ra. Phần xả thải của dự án này cũng do Bộ TN-MT cấp phép với hàng loạt "dấu kiểm định" đỏ chót. Song, ngay khi chưa đi vào vận hành chính thức, dự án Formosa đã gây ra sự cố môi trường nghiêm trọng chưa từng thấy trong lịch sử nước ta. Những quan chức của Bộ TN-MT chịu trách nhiệm khi cấp phép cho dự án Formosa đã bị xử lý kỷ luật nhưng hậu quả mà họ để lại thì vô cùng nặng nề. Công tác khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung còn đang tiếp tục, vậy mà lại xảy ra vụ cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 chất thải.
Bởi thế, nhiều người có thể thở phào khi gần 1 triệu m3 chất thải không còn khả năng đe dọa môi trường Khu Bảo tồn Hòn Cau song có lẽ vẫn còn đó canh cánh nỗi lo về vấn đề "gác cửa" môi trường.
Bình luận (0)