Ngày 1-10, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh do Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tổng Công ty Phát điện 1 và Công ty Nhiệt điện Duyên Hải liên quan đến vấn đề môi trường mà nhiều lần cử tri phản ánh về Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Duyên Hải 1 (trụ sở tại ấp Mù U, xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) từ khi đi vào vận hành từ tháng 1.
Sáu vấn đề cần làm rõ
“Từ đầu năm, khi đi vào vận hành 2 tổ máy đến nay, NMNĐ Duyên Hải 1 đã nỗ lực phấn đấu để duy trì vận hành ổn định các tổ máy, đáp ứng nhu cầu điện thiếu hụt khu vực miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là mùa khô, cung cấp 5,3 tỉ KWh (sản lượng điện đầu cực của 2 tổ máy đến ngày 28-9), bằng 87,2% kế hoạch sản lượng được giao trong năm 2016, đạt 133% kế hoạch quý III” - ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện 3 (thuộc Tổng Công ty Phát điện 1), nói và cho biết thêm là các dự án NMNĐ tạo việc làm cho 826 người, trong đó người của tỉnh Trà Vinh chiếm 40%. Trong 9 tháng đầu năm, công ty đã nộp ngân sách 342,3 tỉ đồng, ủng hộ các quỹ an sinh xã hội tại địa phương hơn 1,1 tỉ đồng...
Ông Nguyễn Thiện Nhân tham quan tổ máy số 2 của Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Trong quá trình tiếp xúc cử tri, người dân rất mừng vì tại địa phương có một dự án lớn. Sau khi tham quan một số khu trong NMNĐ Duyên Hải 1 thấy nhà máy vận hành tốt, từ khi hoạt động đến nay đã 9 tháng chưa xảy ra sự cố là điều đáng mừng. Tuy nhiên, cử tri cũng lo lắng vấn đề môi trường từ NMNĐ”.
Ông Nhân yêu cầu lãnh đạo Công ty Nhiệt điện Duyên Hải làm rõ 6 vấn đề: Thứ nhất, dự án NMNĐ Duyên Hải 1 đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phê duyệt từ năm 2009 nhưng báo cáo các công trình bảo vệ môi trường vẫn chưa có; thứ hai, nhà máy thải ra khoảng 1,6 triệu tấn tro, xỉ/năm và năng lực bãi chứa là 40 ha, dự kiến sau 2,5 năm sẽ bị lấp đầy trong khi nhà máy đã vận hành được 9 tháng. Như vậy, khối lượng tro, xỉ này được dùng vào việc gì; thứ ba, ĐTM được phê duyệt là thải tro, xỉ ướt nhưng khi vận hành thải xỉ khô nên khi thay công nghệ và thực hiện xong mới báo cáo Bộ TN-MT hay báo cáo rồi mới thực hiện, nếu Bộ TN-MT quyết định thải xỉ ướt thì sao; thứ tư, nhà máy đã thay đổi quy trình hệ thống xử lý nước thải công nghiệp khác so với ĐTM đã phê duyệt, vậy đúng hay không; thứ năm, nước thải xả ra biển bằng ống ngầm dưới đất chứ không phải ống nổi, việc này có đúng luật pháp không; thứ sáu, công suất của NMNĐ Duyên Hải 1 theo thiết kế ban đầu chỉ có 600 MW, sau đó tăng lên 622,5 MW, lý do tại sao tăng và có văn bản nào chấp thuận hay không?
Chưa thuyết phục, lỗi nặng!
Trong phần trả lời những câu hỏi mà đoàn công tác đặt ra, ông Dũng cho rằng việc xả thải bằng đường ống ngầm hay nổi thì luật không quy định. Nhà máy bảo đảm nước thải ra biển luôn bảo đảm đúng tiêu chuẩn quy định. “Về việc thay đổi hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, khi lập dự án đầu tư và ĐTM làm theo quy trình chuẩn, khi thực hiện các bước xử lý vẫn tương tự nhưng thứ tự thay đổi, sẽ có báo cáo Bộ TN-MT để cho phép áp dụng” - ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, trong giai đoạn đầu, khi thực hiện dự án NMNĐ Duyên Hải 1 đã dùng phương án thải tro, xỉ ướt nhưng khi triển khai có một số vấn đề bất cập như dùng để tái sử dụng rất khó khăn. Trong khi đó, diện tích tại khu vực dự án không bảo đảm chứa lâu dài mà thải tro, xỉ ướt chỉ chứa được một năm sẽ đầy bãi nên công ty có báo cáo xin điều chuyển từ thải tro, xỉ ướt sang tro, xỉ khô nhưng chưa có quyết định cuối cùng từ Bộ TN-MT.
Ông Dũng kiến nghị Chính phủ sớm xem xét, ban hành chính sách (trong đó có tiêu chuẩn) tái sử dụng tro, xỉ làm vật liệu xây dựng như gạch, xi măng, bê tông; tỉnh Trà Vinh sớm cấp phép cho các công ty sử dụng tro, xỉ làm gạch không nung được hoạt động để giải quyết vấn đề tiêu thụ chất thải này. Tro bay thu gom trong nhà máy được đẩy ra bãi xỉ bằng hệ thống đường ống nén khí đến các silo đến gần bãi thải. Xỉ được làm ẩm, lu lèn và phun nước chống bụi định kỳ. Vì vậy, ông Dũng tin tưởng việc này sẽ giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Còn việc đưa vào vận hành các tổ máy khi chưa có báo cáo hoàn chỉnh về các công trình bảo vệ môi trường, theo lý giải của ông Dũng, do đây là đặc thù của dự án EPC. Tại thời điểm trước khi đưa vào vận hành chính thức, ban quản lý dự án đã trình báo cáo nhưng chưa đầy đủ hồ sơ, trong đó có hồ sơ hoàn công. Dự án vận hành vào tháng 1-2016 nhưng đến tháng 1-2018 mới hoàn thành công trình nên tới lúc đó mới có hồ sơ hoàn công bổ sung vào báo cáo.
Ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá đến nay nhà máy chưa có báo cáo này là chưa thuyết phục, đây là lỗi nặng.
Người dân giám sát
Ông Đào Văn Chứng, Chủ tịch xã UBND xã Dân Thành, phản ánh: “Khi công trình tiến hành san lấp mặt bằng, khói bụi, cát bay ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người dân. Ban đầu, khi vận hành, gió lớn làm tro, xỉ bay vào nhà dân rất khó chịu”. Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hải (thị xã Duyên Hải), lo lắng: “Không biết nguồn nước thải xử lý thải ra biển lâu ngày có ảnh hưởng môi trường biển hay không vì tại địa phương, người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản rất nhiều. Khi xả thải ra biển nếu quy trình không nghiêm ngặt, ảnh hưởng nguồn nước sẽ ảnh hưởng đời sống nhân dân”. Thêm vào đó, nhiều mối lo ngại được chính quyền địa phương đưa ra là thị xã Duyên Hải định hướng làm du lịch sinh thái, nếu nhà máy xử lý môi trường không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn. Ông Lư Phước Hiệp, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Trà Vinh, đề nghị nhà máy cần xây dựng hệ thống quan trắc tự động kết nối với sở này để nơi đây giám sát.
Ông Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ TN-MT và nhà máy cần thống nhất là xả thải ống ngầm dưới biển không ảnh hưởng và giám sát được. “Hiện nay, tại nhiều quốc gia phát triển điện hạt nhân, họ mời người dân xung quanh đến tham quan nhà máy vào định kỳ. Vì vậy, cần có chương trình kết nối cho người dân đến xem quy trình sản xuất, xử lý môi trường từ nhà máy để người dân tận mắt chứng kiến nhằm giám sát và có niềm tin rằng môi trường không bị ô nhiễm” - ông Nhân nhấn mạnh.
Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn công tác đã có buổi tiếp xúc cử tri trên địa bàn huyện và thị xã Duyên Hải để tiếp thu ý kiến và giải đáp những thắc mắc cho người dân về vấn đề môi trường tại NMNĐ Duyên Hải 1.
Luật không quy định
Nói về việc xả thải bằng ống ngầm của NMNĐ, ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), thông tin: “Luật không quy định xả thải bằng ống ngầm hay nổi nhưng quy định nước thải sau khi xử lý xả ra tại điểm xả, điểm xả phải bố trí nơi thuận lợi cho công tác tác kiểm tra giám sát. Việc tái sử dụng tro, xỉ thì chủ đầu tư có đánh giá chất thải này có nguy hại hay không và cần lập đề án và ĐTM khác vì nó là nguyên liệu cho ra đời sản phẩm mới”. Bên cạnh đó, nhà máy tăng cường trồng cây xanh quanh khu vực bãi xỉ để giảm thiểu bụi, có biện pháp để trong mọi tình huống không phát tán tro xỉ ra xung quanh.
Dự kiến tháng 1-2018 tiếp nhận vận hành thương mại
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải được quy hoạch có 4 NMNĐ, gồm: Duyên Hải 1, Duyên Hải 2, Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 mở rộng, với tổng công suất khoảng 4.415 MW. Trong đó, NMNĐ Duyên Hải 1 do Tập đoàn Điện khí Đông Phương (DEC - Trung Quốc) làm tổng thầu EPC (hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình), gồm 2 tổ máy, mỗi tổ máy là 622,5 MW.
Công nghệ của Duyên Hải 1 là lò hơi cận tới hạn, đốt than phun, dầu DO/HFO kèm khởi động. Nguyên liệu than cám 6A lấy từ tỉnh Quảng Ninh. Cấu hình cho một tổ máy, gồm: 1 lò hơi, 1 turbin, 1 máy phát điện đấu nối vào lưới điện quốc gia thông qua trạm 220 KV Duyên Hải. Thời gian nhận bàn giao và vận hành thương mại của tổ máy 1 vào ngày 4-1-2016 và tổ máy 2 ngày 18-1-2016.
Dự án NMNĐ Duyên Hải 2 đầu tư theo hình thức BOT (hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) do Tập đoàn Janankusai (Malaysia) làm chủ đầu tư, gồm 2 tổ máy với công suất mỗi tổ máy là 622,5 MW, cũng khởi công trong năm này. NMNĐ Duyên Hải 3 do Công ty Chenda (Trung Quốc) làm tổng thầu EPC, cũng gồm 2 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 622,5 MW. Vào tháng 8, NMNĐ này đã đốt dầu lần đầu để thử nghiệm và năm 2017 sẽ tiếp nhận vận hành thương mại. NMNĐ Duyên Hải 3 mở rộng do Công ty Sumitomo (Nhật Bản) làm tổng thầu EPC, dự kiến tháng 1-2018 tiếp nhận vận hành thương mại.
Ngoài ra, Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải còn được xây dựng cảng biển để tiếp nhận các tàu chở dầu và than có trọng tải lớn cho tàu từ 1.000-30.000 tấn, tới nay đã tiếp nhận trên 680 tàu các loại, nhận trên 2,5 triệu tấn than, gần 40.000 tấn dầu.
Bình luận (0)