Cảnh chen lấn, gây sự giữa khách Trung Quốc với cán bộ sân bay Cam Ranh xảy ra hồi tháng 5-2016 là một điển hình về lối ứng xử của nhóm khách du lịch bình dân ở Trung Quốc. Hiện tượng tương tự từng xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Gần như ở đâu tập trung đông du khách Trung Quốc thì sẽ xuất hiện một hệ thống dịch vụ tại chỗ với sự nhếch nhác, chụp giật, lộn xộn, thiếu chuyên nghiệp.
Sự thiếu chuyên nghiệp của những công ty môi giới cho đến những “nhà đại diện” cung cấp sản phẩm du lịch thiếu chọn lọc làm ảnh hưởng môi trường du lịch chung, thương hiệu du lịch địa phương. Đã có hiện tượng ở đâu có đông khách Trung Quốc đến thì thương hiệu địa phương sa sút nhanh chóng trong thang hệ đánh giá chung của du lịch quốc tế.
Những gì diễn ra ở Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Ninh... đang dần cho thấy điều nói trên là đúng. Những nguyên tắc du lịch chuyên nghiệp đang bị coi thường bởi hệ lụy từ những công ty môi giới bất tuân quy định về cung cấp dịch vụ. Không có những công ty này thì làm sao hướng dẫn viên du lịch “chui” người Trung Quốc có thể lộng hành, bất chấp các quy định quản lý nghiệp vụ hướng dẫn rất chặt chẽ tại địa phương?
Tiếp theo, dĩ nhiên là trách nhiệm của địa phương. Trong khi việc quản lý thẻ hướng dẫn được áp dụng cho toàn bộ hướng dẫn viên người Việt qua các khóa sát hạch hẳn hoi thì tại sao lại có thể để cho những hướng dẫn viên Trung Quốc ngang nhiên làm nghề trên đất nước mình, tự do xuyên tạc lịch sử, văn hóa và động chạm trực tiếp đến vấn đề chủ quyền quốc gia? Những lao động người Trung Quốc đó lại không được địa phương quản lý theo nguyên tắc quản lý áp dụng cho mọi lao động nước ngoài tại Việt Nam. Điều gì đang xảy ra phía sau thực tế này?
Trên Báo Người Lao Động ngày 22-3, đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết sở đã ban hành các quy tắc ứng xử du lịch dành riêng cho khách Trung Quốc và các đơn vị lữ hành chuyên phục vụ đối tượng này. Nhưng một khi chấp nhận cấp một loại thị thực rời để cho những du khách cầm trên tay cuốn hộ chiếu có vẽ rành rành “đường lưỡi bò” - vi phạm chủ quyền quốc gia, không được quốc tế công nhận - để cho phép bước vào đất nước mình thì đây là một sự thiếu cương quyết, nghiêm minh cần thiết.
Ông Trần Hữu Do, Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý Xuất nhập cảnh Đà Nẵng, thì nói: “Mình không công nhận, không cấp giấy tờ gì trên cuốn hộ chiếu đó. Mình cấp thị thực rời, không dán vào hộ chiếu. Khi họ xuất cảnh sẽ thu lại tờ thị thực đó, hộ chiếu của họ sẽ là hộ chiếu trắng, coi như chưa đến Việt Nam”. Một khi những vị khách được tạo điều kiện để bỏ qua nguyên tắc nhập gia tùy tục, coi thường kỷ cương của nước sở tại vẫn được đón tiếp thì là nguồn gốc của sự ngang nhiên vi phạm pháp luật và những phép ứng xử văn minh cơ bản.
Đó là mối họa báo trước cho nước chủ nhà nếu không mau chấn chỉnh. Đừng vì mối lợi nhỏ mà bỏ qua những điều hệ trọng khác!
Bình luận (0)