Các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có 3,72 triệu ha rừng, chiếm 27,8% diện tích rừng cả nước. Trong những năm qua, công tác quản lý bảo vệ rừng chưa có chuyển biến tích cực, tình trạng phá rừng chiếm đất, lấy gỗ và lâm sản trái phép diễn ra phổ biến. Hành vi chống người thi hành công vụ diễn ra gay gắt, coi thường kỷ cương pháp luật, gây bức xúc trong xã hội.
Tràn lan lâm tặc
Trong 5 năm qua (từ 2006-2010), các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ giảm hơn 158.000 ha rừng, trung bình mỗi năm giảm hơn 31.000 ha. Trong đó, chuyển đổi mục đích sử dụng làm rừng suy giảm hơn 95.000 ha; khai thác trắng rừng trồng theo kế hoạch hằng năm là 51.600 ha; chặt phá trái pháp luật gần 9.700 ha.
Trong 9 tháng đầu năm 2011, các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đã phát hiện 8.900 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng. Đến thời điểm này, đã xử lý 7.283 vụ, trong đó, xử phạt hành chính 7.145 vụ; xử lý hình sự 138 vụ.
Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là nơi xảy ra tình trạng phá rừng nghiêm trọng nhất cả nước
Trong 9 tháng đầu năm 2011, các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đã phát hiện 1.710 vụ phá rừng trái pháp luật, thiệt hại 1.047 ha rừng. Một số vụ phá rừng diễn ra có tổ chức, công khai với đông người và đưa ra các yêu cầu giải quyết đất đai, khiếu kiện kéo dài gây khó khăn trong công tác quản lý.
Theo ông Hà Công Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, rừng bị phá chủ yếu thuộc khu vực các doanh nghiệp được UBND các tỉnh giao, cho thuê để khảo sát hoặc phê duyệt các dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp. Lâm tặc không trực tiếp phá rừng mà thường thuê người dân địa phương khai thác, vận chuyển gỗ, đầu tư phương tiện nên càng làm cho công tác quản lý bảo vệ rừng thêm khó khăn, phức tạp.
Trong 9 tháng đầu năm 2011 các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đã xảy ra 19 vụ chống người thi hành công vụ nghiêm trọng, làm 12 công chức bị thương; phá hủy nhiều tài sản và gây mất an ninh, trật tự địa phương.
Cần có chế tài mạnh
Tại hội nghị, đại diện UBND các tỉnh đề xuất Bộ NN-PTNT cho kiểm kê lại rừng để có những số liệu chi tiết tổng số diện tích còn rừng, phân loại rừng… nhằm xây dựng phương án bảo vệ hiệu quả. Quan tâm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng kiểm lâm. Bên cạnh đó, phải có những cơ chế chính sách để kiểm lâm sống được từ nghề của mình.
Ông Hà Công Tuấn cho biết: Hiện nay, Quốc hội đang xem xét để sửa đổi các quy định pháp luật nhằm tăng nặng hình phạt trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng. Bộ NN-PTNT cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ một số chính sách nhằm tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, trong đó, Thủ tướng đã đồng ý tăng thêm 3.000 biên chế kiểm lâm.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết: Khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là địa bàn xảy ra tình trạng phá rừng, chống người thi hành công vụ nhiều nhất trong cả nước. Cần phải quyết liệt hơn nữa để kiềm chế tình trạng phá rừng. Phải làm rõ những nguyên nhân, đối tượng phá rừng để quản lý có hiệu quả. Đấu tranh, xử lý nghiêm các kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc…
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, công cuộc quản lý bảo vệ rừng không phải là của riêng lực lượng chuyên trách mà cần có sự giúp tay của toàn xã hội.
Xử lý cán bộ tiếp tay lâm tặc Bên lề hội nghị, ông Cao Đức Phát cho biết hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó có diện tích rừng sẽ bị phá. Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để đi đến quyết định cuối cùng. Liên quan đến vấn đề Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) bị xâm hại, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Yok Đôn phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường bảo vệ rừng và rà soát, kiểm điểm và xử lý nghiêm túc những cán bộ tiếp tay cho lâm tặc. Khi để xảy ra tình trạng mất rừng trong phạm vi của vườn, giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn phải chịu một phần trách nhiệm. |
Bình luận (0)