Thanh tra tỉnh Bình Phước vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Bình Phước về kết quả thanh tra việc giao đất, quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp của các dự án trên địa bàn tỉnh. Qua thanh tra 13 doanh nghiệp (DN), đoàn thanh tra liên ngành phát hiện nhiều sai phạm.
Người nhà “liên kết” làm ăn
Công ty TNHH Tân Thiên Mẫn (Công ty Tân Thiên Mẫn) được cấp phép hoạt động vào tháng 6-2008. Giám đốc là ông Đỗ Nguyễn Minh Trí, hiện công tác tại Phòng Nông nghiệp Công ty TNHH một thành viên Cao su Sông Bé (Công ty Cao su Sông Bé), là con ruột của ông Đỗ Quốc Quýt, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Sông Bé.
Tháng 7-2009, Công ty Tân Thiên Mẫn được UBND tỉnh Bình Phước chấp thuận vị trí, diện tích đất lâm nghiệp để liên doanh với đơn vị chủ rừng là Công ty Cao su Sông Bé. Trên cơ sở đó, tháng 10-2010, Công ty Cao su Sông Bé ký hợp đồng với Công ty Tân Thiên Mẫn để liên kết trồng cao su tại Tiểu khu 308 Nông lâm trường Nghĩa Trung trên diện tích 123,2 ha.
Theo quy định, khi thực hiện các dự án chuyển đổi rừng nghèo tại huyện Bù Đăng, đơn vị được giao đất phải có phương án bồi thường, hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, Công ty Tân Thiên Mẫn phớt lờ, không xây dựng phương án bồi thường hỗ trợ mà trực tiếp phối hợp với “công ty cha” thống kê danh sách các hộ dân xâm canh và chỉ bồi thường hỗ trợ diện tích 56,1 ha với tổng số tiền 313.565.000 đồng cho dân. Số tiền này không phải kinh phí của đơn vị được giao đất mà là tiền của gia đình ông Trí.
Đất dân canh tác từ lâu bị thu hồi để giao cho Công ty Tân Thiên Mẫn trồng cao su gây bất bình trong nhân dân
Thấy sếp là ông Đỗ Quốc Quýt mở “sân sau”, ông Đặng Văn Hơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cao su Sông Bé, “ăn theo” bằng cách để vợ là bà Lê Thị Nghĩa lập và làm giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hưng Phước Trường (Công ty Hưng Phước Trường). Ngày 11-2-2010, UBND tỉnh Bình Phước ban hành công văn chấp thuận vị trí, diện tích đất lâm nghiệp liên doanh giữa Công ty Cao su Sông Bé với Công ty Hưng Phước Trường, đồng thời phê duyệt dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng rừng cao su tại Tiểu khu 308 Nông lâm trường Nghĩa Trung với diện tích 102,118 ha.
Trên cơ sở đó, tháng 7-2010, Công ty Cao su Sông Bé và Công ty Hưng Phước Trường ký hợp đồng liên kết trồng cao su tại diện tích trên. Tương tự “công ty con” của sếp Quýt, công ty do vợ ông Hơn làm giám đốc cũng không xây dựng phương án bồi thường hỗ trợ mà lấy tiền gia đình bồi thường hỗ trợ cho 28 hộ dân trên diện tích 17,39 ha với tổng số tiền 83.950.000 đồng.
Kiểm điểm rồi xong!
Chính vì ông tổng giám đốc và phó tổng giám đốc Công ty Cao su Sông Bé ký hợp đồng liên kết với công ty của con và của vợ để mở công ty “sân sau” nhằm thao túng hàng trăm hecta đất được Nhà nước giao quản lý đã khiến cán bộ và người dân tỉnh Bình Phước bất bình, nhiều người khiếu kiện liên tục trong thời gian dài.
Theo Công an tỉnh Bình Phước, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn tỉnh có đến 19 vụ tranh chấp, khiếu kiện đất thu hồi theo chủ trương của Nhà nước và các dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt giao các DN trồng cao su.
Sau khi thanh tra, đoàn thanh tra chỉ rõ: “Công ty Tân Thiên Mẫn và Công ty Hưng Phước Trường có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn và tín nhiệm của người thân để xin chủ trương thực hiện dự án”. Do đó, đoàn thanh tra kiến nghị UBND tỉnh đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức kiểm điểm ông Đỗ Quốc Quýt và ông Đặng Văn Hơn vì đã sử dụng ảnh hưởng về chức vụ, quyền hạn dùng quỹ đất lâm nghiệp được giao cho Công ty Cao su Sông Bé để đề xuất tỉnh giao đất cho gia đình mình quản lý, trồng cao su.
Việc làm trên đã vi phạm về những điều đảng viên không được làm. Ngoài ra, đoàn thanh tra cũng kiến nghị UBND tỉnh đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước chỉ đạo cơ quan có chức năng tổ chức kiểm điểm trước Đảng ủy công ty theo quy định đối với ông Quýt và ông Hơn vì việc làm của hai ông này gây dư luận xấu đối với cán bộ và nhân dân.
Xin đất lập dự án để mua bán, lừa đảo!
Thanh tra tỉnh Bình Phước nhận xét: Trong quá trình thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, Sở NN-PTNT tỉnh đã thiếu kiểm tra kết quả thực hiện dự án của các DN, dẫn đến có trường hợp giao nhiều dự án cho cùng một người; giao đất của DN Nhà nước quản lý cho chủ DN là người thân của cán bộ lãnh đạo trong DN; giao đất cho DN đã có thông báo thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thậm chí nhiều DN mua bán đất dự án để trục lợi, có DN phá cả rừng khoanh nuôi bảo vệ và mượn dự án để lừa đảo… |
Thu hồi đất, chuyển hồ sơ sang công an điều tra
Thanh tra tỉnh Bình Phước kiến nghị UBND tỉnh Bình Phước thu hồi nhiều dự án đã cấp cho một số DN. Theo đó, Công ty TNHH một thành viên Nam Hằng do lợi dụng chủ trương của Nhà nước để trục lợi, vì vậy thu hồi số tiền chênh lệch 8 tỉ đồng từ việc sang nhượng đất dự án, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp và 196,5 ha đất hiện nay DN này đang quản lý, sử dụng để giao cho DN Nhà nước. Thu toàn bộ diện tích 60 ha đã giao cho Công ty TNHH một thành viên Minh Phương do DN này không có nhu cầu sử dụng.
Công ty TNHH Thương mại Việt Lào có dấu hiệu tội phạm, Công an tỉnh Bình Phước đang điều tra, vì vậy bị thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và toàn bộ 84,41 ha đất đã giao. Công ty Cổ phần Thiện Đức có 2 dự án với tổng diện tích 208,47 ha, đến nay đã trồng 81,76 ha cao su. Diện tích 44,26 ha đất DN này chưa nhận được ngoài thực địa, kiến nghị thu hồi để tạo quỹ đất an sinh xã hội. Riêng 82,9 ha rừng giá tị thuộc các khoảnh 2, 5 (Tiểu khu 386) và khoảnh 1, 5 (Tiểu khu 387), người dân trồng từ năm 1995 theo Chương trình 327, vào tháng 7-2011, UBND tỉnh Bình Phước có công văn thu hồi chủ trương giao đất cho Công ty Cổ phần Thiện Đức. Thanh tra đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm tham mưu UBND tỉnh hoàn tất thủ tục thu hồi. Về diện tích 7,18 ha rừng nguyên sinh bị Công ty TNHH Hoàn Hảo phá trắng, đoàn thanh tra kiến nghị UBND tỉnh chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra làm rõ để xử lý. Buộc công ty này bồi thường và tiếp tục trồng cây lâm nghiệp trên diện tích đã phá.
Riêng HTX Dân Sinh (Báo Người Lao Động có loạt bài phản ánh vào tháng 8-2010), đoàn thanh tra cũng đề nghị UBND tỉnh thu hồi 17 ha cao su do HTX này trồng để đưa vào quỹ đất an sinh.
B.An |
Bình luận (0)