Nhận thấy kinh tế khu vực nông thôn phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có, từ năm 2013, thông qua việc nghiên cứu và học tập phong trào Mỗi làng một sản phẩm (OVOP) của Nhật Bản và Mỗi cộng đồng một sản phẩm (OTOP) của Thái Lan, Quảng Ninh đã triển khai chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) nhằm tạo động lực phát triển khối kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, góp phần giải quyết việc làm, phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương.
Trong chương trình OCOP của Quảng Ninh, các đặc sản của địa phương - từ sản xuất đến tiêu thụ - dựa trên nguyên lý hỗ trợ sản xuất theo chuỗi hoàn chỉnh để gia tăng giá trị nguyên liệu bản địa. Chương trình OCOP xác định 2 đối tượng quan trọng là sản phẩm và tổ chức kinh tế (tập trung vào HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ). Do vậy, chương trình OCOP của Quảng Ninh được thiết kế để các chủ thể sản xuất (từ cá thể, hộ sản xuất, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp) có sự chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động sản xuất, tiêu thụ. Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, thông tin thị trường và xúc tiến thương mại.
Trong quá trình thực hiện, HTX Nông dược xanh Tinh Hoa ở xã Quảng La (huyện Hoành Bồ) đã nổi bật với dự án Khu Du lịch sinh thái Thiên đường hoa Quảng La gồm 23,5 ha phát triển trồng cây dược liệu, cây ăn quả, hoa, cây màu kết hợp du lịch sinh thái, giáo dục thực nghiệm... Đến nay, các sản phẩm từ cây dược liệu, như: kim tiền thảo, trinh nữ hoàng cung, cà gai leo, nhân trần, bồ công anh; tinh dầu bạc hà, tinh dầu sả chanh; bún dược liệu, tinh bột nghệ, bánh tam giác mạch, rau dược liệu... đã từng bước được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận. Dự án này đã tạo việc làm thường xuyên cho từ 50-60 lao động là người dân tộc thiểu số tại xã Quảng La, Bằng Cả với thu nhập ổn định từ 3,5-4 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ hiệu quả từ chương trình, ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, cho hay sau 3 năm thực hiện, OCOP của Quảng Ninh đã có 210 sản phẩm, nhóm sản phẩm được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn về chất lượng và có giá trị cao do 180 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất. Trong đó, 65 sản phẩm, nhóm sản phẩm có lợi thế cạnh tranh tầm khu vực, 99 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao. Doanh số bán hàng của các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất đạt hơn 672 tỉ đồng nhờ gia tăng về quy mô sản xuất và giá bán, đóng góp tích cực vào việc tăng thu nhập của người dân.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá trước đây đã có một số địa phương triển khai những chương trình phát triển sản phẩm nhưng Quảng Ninh là điển hình trong cách làm tổng thể và mạnh mẽ nhất. “Mô hình OCOP của Quảng Ninh đủ điều kiện để nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. Thực tế cách làm dày công từ tổ chức bộ máy, cơ chế chính sách cũng như bộ công cụ quản lý OCOP của Quảng Ninh là chất liệu tốt cho chính chúng tôi khi trong hoạch định chính sách phát triển sản phẩm cấp trung ương nói chung cũng như việc các địa phương có thể vận dụng để triển khai trên địa bàn mình” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận xét.
Bình luận (0)