Được xới lên từ năm 2013 nhưng việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa chi phí xây bể bơi, sân tennis vào chi phí giá thành điện tiếp tục được một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) "truy" Bộ trưởng Tài chính, Công Thương tại phiên chất vấn chiều 10-6.
ĐB Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) đề nghị Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết 6 tháng kể từ ngày có kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn tài sản tại EVN, trong đó đưa các khoản chi phí xây dựng bể bơi, sân tennis vào giá thành điện đã được rà soát xong chưa và có phát sinh khoản nào bất hợp lý hay không.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết đã phối hợp với Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương soạn thảo văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý khoản chi phí xây dựng khu nhà ở (nhà biệt thự đơn lập, song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng có bể bơi, sân tennis đi kèm).
Trong văn bản báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ ngày 22-5 vừa qua, Bộ Tài chính nêu quan điểm chi phí khấu hao nhà khách chuyên gia, nhà quản lý vận hành và sửa chữa điện, nhà ở cho người lao động tại nhà máy điện được Bộ Tài chính hướng dẫn đưa vào chi phí sản xuất kinh doanh. Trường hợp nhà ở trực tiếp cho người lao động có thu tiền thuê, số tiền thu được hạch toán vào chi phí chi phí vận hành nhà máy điện. Chi phí khấu hao nhà đơn lập, song lập, nhà liền kề, nhà chung cư cao tầng EVN cho cán bộ làm việc cho nhà máy điện thuê sử dụng không được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh điện. EVN phải xác định đơn giá nhà cho thuê đúng quy định, đảm bảo phù hợp chi phí khấu hao, không được hạch toán vào giá thành và phải thu hồi, hạch toán riêng.
Đối với chi phí đầu tư cho công trình mục đích phúc lợi như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis thì EVN cũng như các đơn vị thành viên sử dụng quỹ phúc lợi hoặc nguồn tài trợ khác để xử lý vào chi phí đầu tư các công trình này, không được tính chi phí khấu hao đưa vào giá thành điện.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu EVN xây dựng quy chế sử dụng nhà khách, nhà ở trong khu nhà quản lý vận hành, tiêu chuẩn, định mức bố trí nhà ở phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành và hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Về tiến độ xử lý, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: “Sắp tới Chính phủ sẽ có chỉ đạo tiếp theo, chúng tôi sẽ báo cáo tiếp”.
Với vai trò là cơ quan chủ quản của EVN, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đứng lên “gánh” một phần trách nhiệm giải trình. Bộ trưởng khẳng định tại 6 dự án Thanh tra Chính phủ nêu, chỉ có duy nhất dự án Phú Mỹ 1 đưa chi phí khu nhà ở vào giá thành sản xuất. Tuy nhiên cũng chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng chi phí, mức hạch toán khoảng 1,3 tỉ đồng - 3,7 tỉ đồng trong tổng chi phí hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm. Còn dự án Ô Môn 1 có xây nhà ở, bể bơi, sân tennis nhưng chưa hạch toán vào giá thành. Các dự án còn lại đều chưa tính vào giá thành điện, vẫn đang chờ Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xây dựng cơ chế.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thuyết phục rằng việc xây nhà ở kèm theo thiết chế văn hóa là phù hợp với chủ trương thu hút lao động, còn hạch toán vào khâu nào, hiện EVN đang thực hiện thu tiền thuê nhà của cán bộ công nhân và không tính vào giá thành điện.
Trước việc giải trình của 2 Bộ trưởng, ĐB Lê Thị Nga tha thiết: “Qua diễn đàn Quốc hội, tôi muốn Bộ trưởng Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính gửi tới EVN: Là tập đoàn kinh tế lớn của đất nước, EVN cần gương mẫu và đi đầu về chấp hành pháp luật trong tính giá để làm gương cho các doanh nghiệp khác”.
Trước đó, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố cuối năm ngoái, Bộ Công Thương đã phê duyệt 600 tỉ đồng để xây dựng “Khu nhà quản lý vận hành và sữa chữa” vào chi phí đầu tư của 6 dự án nguồn điện do EVN thực hiện là chưa đúng với quy định của Chính phủ, vì thực tế đây là khu nhà ở phục vụ mục đích sinh hoạt cho cán bộ, nhân viên.
Bình luận (0)