Bà Trần Thị Điền, mẹ chị Vui, cho biết chị Vui bỏ học vào năm lớp 9. Tháng 9-2004, chị Vui vào thôn Tân Lý 3, xã Tân Bình, huyện Hàm Thuận - Bình Thuận ở với người bà con để kiếm việc làm. Sau khi làm thủ tục qua Pháp du lịch theo diện bảo lãnh của người thân bất thành, cuối năm 2004 chị Vui vào TPHCM kiếm việc.
Lật từng ảnh cưới của con, bà Điền tâm sự: “Đám cưới có vợ chồng tôi, bạn bè nó ở quê vào TPHCM làm việc cũng đến dự. Ngoài con tôi, còn có 8 cặp khác, đều các cô gái Việt lấy chồng Đài Loan cũng được tổ chức chung. Hôm đó, có mặt vợ chồng người chủ đường dây môi giới đến tham dự”.
Trong đám cưới tại Đầm Sen, chú rễ Cung Trung Tiên trao cho cô dâu 5 chỉ vàng nhưng sau đó lấy lại với lý do là để làm quà cưới khi qua Đài Loan. Còn vợ chồng bà Điền chỉ được con rể cho 2 triệu đồng.
Ông Huỳnh Văn Hai, cha của chị Vui, cho biết: “Tôi hỏi con gái về con rể thì nó chỉ bảo anh này làm nghề thợ hồ, bố mẹ làm ruộng chứ chẳng biết gì thêm”.
Sau đám cưới khoảng 1 tháng, ông Hai lại vào TPHCM đưa hộ chiếu cho con gái để làm thủ tục theo chồng qua Đài Loan. Sau đó gần một tuần, chị Vui cùng chồng sang Đài Loan mà không có sự tiễn đưa của người thân, bạn bè.
Bẵng đi hơn một năm, sau khi sinh được đứa con gái đầu long với người chồng Đài Loan, chị Vui mới điện thoại về gia đình. Bà Điền nghẹn ngào: “Nó bảo đang đi học làm thợ may với lương tương đương 3 triệu đồng một tháng. Nó sống cùng gia đình bố mẹ chồng nhưng người chồng thường hay cờ bạc và thường xuyên đập đánh vợ mỗi lần thua bạc. Người anh trai của chồng cũng máu đỏ đen nên hay đến mượn tiền em dâu, nếu Vui không cho mượn thì bị chồng đập đánh. Mỗi lần điện thoại về Việt Nam, chồng và mẹ chồng Vui đứng sau lưng để quản thúc, họ không cho nó tiếp xúc với người Việt”.
Đến đầu năm 2008, sau khi xin được việc làm ở một xưởng may của một chủ người Đài Loan, chị Vui có điện thoại về gia đình và hỏi địa chỉ để chuyển tiền về cho cha mẹ. Và từ đó đến nay, chị Vui không còn liên lạc gì về gia đình nữa.
Bà Điền chua xót: “Gia đình tôi lo lắng nên có lần điện thoại theo số di động mà con hay điện về để hỏi thăm nhưng đầu dây bên kia nói toàn tiếng Đài Loan. Tôi cũng điện thoại vào bà chủ đường dây môi giới nhờ tìm con nhưng bà này bảo quá nhiều cô gái Việt kết hôn với người Đài Loan nên không thể nhớ nỗi người chồng này quê ở đâu nên bất lực”.
Hỏi về quê quán của chồng con gái mình, bà Điền và ông Hai đều bảo không biết, chỉ nhớ là có lần con gái qua bên đó điện thoại về bảo mình đang sống trên một hòn đảo, nhà ở sát núi. “Nó đến xem mặt, người ta hỏi có đồng ý lấy nhau không, cả hai gật đầu thì làm thủ tục cưới chứ chẳng có thời gian mà tìm hiểu nhau”– bà Điền cho biết.
Gần 4 năm trôi qua, ngày ngày bà Điền và người thân khóc cạn nước mắt vì không rõ tung tích của con. Bà đã tìm đến nhiều người sau khi qua Đài Loan xuất khẩu lao động về nước để hỏi nhờ nhưng chẳng có kết quả. Ông Hai tâm sự: “Tôi cũng muốn đến các cơ quan chức năng nhờ họ hỏi giúp nhưng ngay cả địa chỉ gia đình chồng ở đâu cũng chẳng biết thì làm sao nhờ họ được”.
Bình luận (0)