Trưa 13-7, hàng trăm người dân sống gần cửa biển Cổ Lũy (xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) đã phải vất vả giải cứu chiếc tàu cá của ông Võ Văn Vinh (ngụ xã Nghĩa An) bị mắc cạn.
Ngư dân khóc ròng
Theo lời chủ tàu Võ Văn Vinh, đây là lần thứ hai tàu của ông bị mắc cạn ở cửa biển Cổ Lũy, lần nào thiệt hại cũng vô cùng nặng nề. Ở lần mắc cạn năm ngoái, tổn thất tính sơ cũng vài chục triệu đồng. Lần này chắc sẽ cao hơn bởi cabin vỡ nát, mạn tàu bị rạn nứt nghiêm trọng. “Cũng may có bà con ở đây hỗ trợ, kéo tàu ra kịp thời chứ không thì bị sóng đánh vỡ thân tàu, lúc đó chỉ còn nước phá sản” - ông Vinh nói.
Theo lời ông Vinh, nếu nhà ông không ở gần cửa biển Cổ Lũy thì ông sẽ không bao giờ dám cập tàu lại đây để mua bán, giao thương. “Cập tàu vào gần nhà cho đỡ tốn kém nhưng hễ cập vào là bị mắc cạn” - ông Vinh than.
Bây giờ, hỏi người dân sinh sống gần cửa biển Cổ Lũy, ai cũng ám ảnh và không thể nhớ hết những lần tàu bè bị mắc cạn vì quá nhiều. Cuối tháng 6-2016, tàu cá của anh Phạm Hoanh (ngụ xã Nghĩa An) bị mắc cạn ở cửa biển Cổ Lũy. Dù chủ tàu đã huy động hàng chục người ra cứu nhưng không đưa được tàu ra ngoài, bị sóng lớn đánh hỏng. Còn trong năm 2015 và đầu năm 2016, có trên 20 trường hợp tàu cá của ngư dân bị mắc cạn tại cửa biển Cổ Lũy. Nhiều tàu sau khi mắc cạn bị sóng lớn đánh chìm, hư hỏng nặng.
Ông Nguyễn Thanh Tàu (ngụ xã Nghĩa An) cho biết tình trạng bồi lấp cửa biển Cổ Lũy đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng nặng nhất là trong 3 tháng vừa qua. “Hồi trước thì bồi lấp luồng lạch phía trong cửa, giờ thì bồi lấp ngoài cửa. Nhiều lúc cửa biển nhô cồn cát, có lúc chỉ còn chưa được nửa mét nước nên hầu như tàu cỡ 400 CV trở lên không cập vào cửa biển Cổ Lũy được. Nếu muốn vào thì phải “canh” thủy triều lên cao” - ông Tàu kể.
Địa phương than trời
Vì không cập được vào cửa biển Cổ Lũy, hầu hết các tàu cá từ 400 CV trở lên sau khi đánh bắt trở về đều cập vào cảng Sa Kỳ hoặc ra Đà Nẵng bán cá và tiếp nhiên liệu. “Việc không có tàu cập vào Cổ Lũy không những làm chủ tàu bị tổn thất chi phí mà còn khiến rất nhiều người buôn gánh bán bưng ở cửa biển khốn khổ vì không có công ăn việc làm” - bà Nguyễn Thị Năng, chuyên nghề thu mua cá, ngao ngán.
Bà Võ Thị Lệ Thu, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, cho biết việc cửa biển Cổ Lũy bị bồi lấp đã gây tổn thất nặng nề cho địa phương. Bằng chứng là không có nhiều tàu cập bến thì tiểu thương thất nghiệp, các cửa hàng bán nhiên liệu ngắc ngứ và nguồn thu ngân sách của địa phương cũng giảm. Nhiều người mất việc dễ nảy sinh những vấn đề xã hội phức tạp. “Chưa kể tàu ở xã Nghĩa Phú, chỉ riêng ở xã Nghĩa An đã có gần 1.000 chiếc, trong đó có trên 700 tàu cá công suất từ 100 đến 700 CV. Vì vậy, cửa biển Cổ Lũy bị bồi lấp đã gây khó vô cùng cho địa phương, cho người dân” - bà Thu khẳng định.
Cũng theo bà Thu, để giải quyết tình trạng cửa biển bị bồi lấp, UBND xã Nghĩa An đã nhiều lần kiến nghị lên UBND TP Quảng Ngãi và UBND tỉnh. UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã cử cán bộ về khảo sát nhưng dự án nạo vét vẫn chưa thấy, bà con ngư dân ở đây vẫn tiếp tục gặp khó khăn.
Ông Võ Quang, Phó Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi, cung cấp thông tin: Qua khảo sát tình trạng bồi lấp tại cửa biển Cổ Lũy thì thấy chủ yếu xảy ra ở phía mép ngoài cửa biển với lượng bồi lấp rất lớn, tàu thuyền ra vào gặp nhiều khó khăn. Hồi trước, bồi lấp phía trong cửa nên việc nạo vét dễ dàng còn bây giờ bồi phía ngoài nên việc nạo vét gặp không ít khó khăn.
“Chúng tôi đã khảo sát rất kỹ, lập báo cáo và đang trình UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét, còn hiện tại vượt quá khả năng của UBND TP Quảng Ngãi” - ông Quang nói.
Trước bức xúc của ngư dân và địa phương, ngày 20-7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, cho biết trước mắt sẽ khẩn trương nạo vét để tạo điều kiện cho tàu thuyền ngư dân ra vào.
“Còn về lâu dài, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét dự án nạo vét tổng thể cửa biển Cổ Lũy bởi khối lượng công việc quá lớn, dự án tiêu tốn kinh phí hơn 1.000 tỉ đồng” - ông Tô thông tin.
Bình luận (0)