Hơn 30 năm làm công tác đối ngoại, từng là phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam trong suốt 7 năm rồi sau đó làm đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu 4 năm, bà Phan Thúy Thanh khi về hưu lại bắt đầu một vị trí mới: phu nhân đại sứ.
Thử thách lớn
Sau khi nhận được quyết định trở thành đại sứ Việt Nam tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), ông Trần Ngọc Thạch và vợ (bà Phan Thúy Thanh) có hơn 2 tháng để chuẩn bị cho chuyến đi. Dù nhiều năm sống ở nước ngoài nhưng các nhiệm kỳ ngoại giao của cả ông bà chủ yếu ở châu Âu, còn Trung Đông vẫn là một vùng đất mới.
Mặc dù đã chuẩn bị rất kỹ càng nhưng khi đến Abu Dhabi sống, bà Thanh lại gặp khó khăn vì không hợp với đồ ăn và khí hậu nơi đây. Các hoạt động chủ yếu diễn ra trong nhà vì ngoài trời rất nóng, có lúc lên tới 50 độ C. Cây cối cũng khó sống và hoa thì rất đắt. Phụ nữ ít khi ra đường một mình.
Quy mô nhân sự của một đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại quốc gia vừa và nhỏ thường chỉ trên dưới 10 người, đa phần không có đội ngũ phục vụ hậu cần chuyên nghiệp. Các phu nhân Việt Nam không có người giúp việc đi cùng nên sẽ làm tất cả mọi việc. Mỗi dịp sứ quán tổ chức tiệc, phần lớn công việc bếp núc sẽ do các phu nhân trong sứ quán đứng ra đảm nhiệm, đầu mối sẽ là phu nhân đại sứ.
Theo bà Phan Thúy Thanh, phu nhân đại sứ có vai trò rất quan trọng vì cần giữ được cân bằng cho đại sứ cả trong đối nội lẫn đối ngoại. Bên cạnh vô vàn công việc tiếp xúc, nghiên cứu, giới thiệu về Việt Nam, điều quan trọng là giữ gìn hình ảnh tốt của ĐSQ với nước sở tại, bà con Việt kiều. Muốn làm được điều đó, ĐSQ phải đoàn kết, làm việc đều tay. Phu nhân đại sứ phải biết cân bằng vai trò, không can thiệp sâu quá vào công việc của đại sứ vì sẽ dễ làm mất đoàn kết trong nội bộ ĐSQ song nếu co mình lại, không tham gia hoạt động thì sẽ không giúp được gì cho chồng, cho đất nước. “Chỉ đơn giản là việc làm vợ nhưng chuyện tưởng dễ mà không dễ chút nào” - bà Thúy Thanh tâm sự.
Đằng sau những bữa tiệc ngoại giao...
Người ta thường thấy phu nhân đại sứ tươi cười, ăn mặc đẹp, đi dự các sự kiện cùng chồng song hậu trường của những bữa tiệc ấy là rất nhiều công việc tỉ mỉ, không tên, đòi hỏi cả một quá trình nỗ lực xây dựng các mối quan hệ, chủ động nắm bắt cơ hội, học hỏi kinh nghiệm vận động, giới thiệu hình ảnh Việt Nam.
Ở nhiều nước, phu nhân đại sứ thường xuyên được tham gia các lớp đào tạo để cập nhật tình hình mới. Các đại sứ nước ngoài khi hết nhiệm kỳ lại chuyển sang nước khác. Có người 15 năm và thường ít nhất cũng là 2 nhiệm kỳ (8 năm) mới về nước. Còn đại sứ Việt Nam thường chỉ sau 1 nhiệm kỳ 3 năm là về nước luôn và không nhiều người quá 6 năm. Các phu nhân nước ta ít điều kiện được đào tạo dài hơi để phục vụ vai trò của họ. Do đó, họ phải nỗ lực nhiều để thích nghi với môi trường sống.
Khi mới đến Abu Dhabi, bà Thanh nhận ra rằng phụ nữ ở Ả Rập thường sinh hoạt, giao lưu theo các nhóm tùy vào khu vực địa lý. Câu lạc bộ các phu nhân đại sứ và người đứng đầu các tổ chức quốc tế ở Abu Dhabi với khoảng 100 người, thường tổ chức một buổi tiệc nhỏ chào mừng phu nhân đại sứ mới đến. Bà Thanh kể rằng trong buổi tiệc đó, nếu phu nhân đại sứ nào chỉ ngồi một chỗ, hết buổi đi về hoặc chỉ nói chuyện với những người ở bên cạnh mình thì sẽ không có cơ hội mở rộng quan hệ. Nhưng nếu tích cực chủ động phát danh thiếp, chào hỏi, giới thiệu, làm quen thì họ sẽ được hỗ trợ rất nhiệt tình.
Đêm từ thiện giới thiệu ẩm thực Việt Nam nhằm gây quỹ cho nạn nhân chất độc da cam được ĐSQ tổ chức đã được những phu nhân người Ả Rập, đặc biệt là bà Chủ tịch Tổ chức Chào mừng bạn đến Abu Dhabi, hỗ trợ hết mình trong việc tổ chức sự kiện, thuê địa điểm, mời khách đến ăn có trả tiền để làm từ thiện, bán đấu giá quà… Hay như buổi tiệc giới thiệu ẩm thực Việt Nam cuối năm 2012 với số khách đông ngoài dự kiến, từ châu Mỹ đến châu Á, châu Phi và rất đông các bạn Ả Rập… Các phu nhân đến dự thường nhắc về bữa tiệc đó và tỏ ra ấn tượng với nhiều điểm đặc sắc trong ẩm thực, thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là đồ sơn mài… của Việt Nam.
Với các phu nhân đại sứ, để có một bữa tiệc ngon và ấn tượng với khách, cần có sự tìm tòi để làm sao bữa tiệc vừa phải thể hiện được tinh hoa ẩm thực Việt Nam vừa hợp khẩu vị khách. Thường trong các bữa tiệc chiêu đãi ngoại giao của sứ quán, món nem đứng đầu trong danh sách được lựa chọn. Tại các buổi chiêu đãi quốc khánh, nếu mời tiệc đứng với 500 khách thì thông thường sứ quán phải làm tới hơn một ngàn chiếc nem, chưa kể các thực đơn khác trong khi nhân viên có hạn, khó có thể bảo đảm cho món nem luôn nóng và ngon trong suốt bữa tiệc. Do đó, bà Thanh đã chủ động làm quen, mời bếp trưởng Dany (người Lebanon) của chuỗi khách sạn InterContinental ở UAE nếm thử, sau đó cung cấp công thức. Sau này, vị bếp trưởng nhiều kinh nghiệm đã nấu rất thành công những món bà đặt hàng.
Bà Thanh cũng góp phần không nhỏ vào sự thành công của lễ hội Việt Nam ở Trung Đông lần đầu tiên vào tháng 10-2013 nhân dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Lễ hội hoành tráng kéo dài tận 15 ngày tại khách sạn 5 sao đẹp nhất của Abu Dhabi - khách sạn ST Regis - nằm sát bờ biển mà gần như phía Việt Nam không phải bỏ tiền ra, hoàn toàn dựa vào sự vận động của đại sứ và các nhân viên ĐSQ.
Bà Thanh cho rằng trong hoạt động ngoại giao, nếu luôn tìm tòi và chủ động nắm bắt mỗi cơ hội thì sẽ có rất nhiều dịp để giới thiệu hình ảnh đất nước mình đến bạn bè quốc tế. Sau các hoạt động tuy nhỏ và liên tục, bền bỉ đó, khách du lịch đến Việt Nam sẽ nhiều hơn.
Hiện nay, theo bà Thanh, ẩm thực và văn hóa chính là sức mạnh của một đất nước, là một thứ “quyền lực mềm” để có thể dễ dàng giới thiệu và thu hút mọi người. Đặc biệt, ở khu vực Trung Đông, với những người khá giả luôn mong muốn tìm đến những gì mới lạ, bà chắc chắn rằng ẩm thực Việt Nam vừa đẹp vừa ngon vừa tinh tế và tốt cho sức khỏe thì sẽ có sức hút lớn.
“Trong bất kể vị trí nào, cần luôn nghĩ đến lợi ích của đất nước, từ cách cư xử, ăn mặc, tìm bạn bè, làm cách nào giữ gìn hình ảnh của đất nước, có lợi cho đất nước” - bà Phan Thúy Thanh chia sẻ.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-5
Kỳ tới: Đại sứ Mỹ và mối tình đặc biệt
Bình luận (0)