Ngày 9-3, phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã khai mạc và cho ý kiến về dự thảo Luật MTTQ Việt Nam sửa đổi.
Giải trình về ý kiến của một số đại biểu QH không đồng tình với quy định “Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là tổ chức thành viên vừa lãnh đạo MTTQ Việt Nam” như dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng lịch sử đã chứng minh vai trò của Đảng ngay từ những ngày đầu hoạt động của Mặt trận Dân tộc Thống nhất đến MTTQ Việt Nam ngày nay. Do vậy, một trong những đặc thù trong tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam là Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách vừa là tổ chức thành viên vừa là lực lượng lãnh đạo MTTQ. Do đó, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH cho giữ như quy định của dự luật.
Nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ QH nêu ý kiến về việc có hay không quy định việc MTTQ giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên; vai trò phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam đối với các chủ trương, chính sách của Đảng. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai đề nghị quy định “giám sát của MTTQ là giám sát độc lập, mang tính nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân”.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Ksor Phước băn khoăn giám sát của MTTQ là giám sát nhân dân, khác với tính chất của giám sát quyền lực nhà nước. “Tuy nhiên, quy định ai cũng có chức năng giám sát thì dễ chồng chéo. Vì vậy, cần làm rõ MTTQ giám sát những lĩnh vực, nội dung, phạm vi đến đâu. MTTQ nên giám sát ở cơ sở, những vấn đề cụ thể, đồng thời có quyền tham gia các đoàn giám sát của QH và nêu kiến nghị” - ông Ksor Phước góp ý.
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH cũng cho ý kiến về dự thảo Luật Ban hành văn bản pháp luật. Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH đề nghị quy định cho HĐND cấp huyện ban hành nghị quyết, UBND cấp huyện ban hành quyết định; đối với cấp xã thì không nên quy định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thực tế cho thấy việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở cấp xã chủ yếu là sao chép lại của cấp trên, nhiều trường hợp còn ban hành không đúng quy định của cấp trên, gây rối rắm hệ thống quy phạm pháp luật. Cấp xã chỉ là nơi tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng không nên quy định hình thức thông tư liên tịch giữa các cơ quan; không nên giao cho chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao ban hành thông tư.
Theo Phó Trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Doãn Khánh, TAND và VKS là các cơ quan áp dụng pháp luật, thực thi pháp luật nên không cần phải có thẩm quyền ban hành, dễ nảy sinh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. “Không nên coi thông tư là văn bản quy phạm pháp luật bởi thông tư chỉ là văn bản hướng dẫn thi hành luật” - ông Khánh nhìn nhận.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn: “Các quyết định hành chính cụ thể, thậm chí quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cũng là văn bản pháp luật bởi người không thực hiện văn bản ấy là vi phạm pháp luật. Tôi chỉ đồng ý bỏ hẳn thông tư khi nghị định quy định cụ thể, rõ ràng tất cả quy định của luật để áp dụng trực tiếp được”.
Bình luận (0)