Con đường bê- tông xi măng quanh xã đảo An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang có chiều dài khoảng 11 km, bao quanh Hòn Lớn. Con đường hoàn thành, đưa vào sử dụng có ý nghĩa rất lớn về an ninh, quốc phòng, góp phần phát triển kinh tế, du lịch biển đảo và cũng là niềm vui chung của chính quyền, quân và dân xã đảo. Tuy nhiên qua hơn 2 năm, hiện nay vách núi đang sạt lở và có dấu hiệu ngày càng nghiêm trọng hơn, mất an toàn giao thông, mỹ quan môi trường, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, đi lại của bà con địa phương và du khách mỗi khi đặt chân đến đảo Nam Du thơ mộng…
Đảo Nam Du trong lành, thơ mộng đang được nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan
Mới đây, chúng tôi có chuyến đi thực tế tại xã đảo này, nơi đặt trụ sở hành chính xã An Sơn, và có dịp tham quan một vòng con đường quanh Hòn Lớn. Khác với năm trước, dọc con đường, phía vách núi nhiều mảng đất, đá đang tuột dần xuống phía chân núi. Nhiều lùm cây vì mưa lớn, ứ đọng nước đã ngã đổ, lấp đầy cả hệ thống máng thoát nước dọc theo lề đường. Điều đáng nói là xa xa lại có từng tảng đá khổng lồ, kéo theo đá nhỏ, đất đỏ vương vãi khắp mặt con đường, làm ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của du khách và bà con địa phương.
Những mảng đá lớn rơi xuống con đường vòng quang đảo Nam Du
Qua tìm hiểu, nhiều người dân ở đây cho biết: Nguyên nhận sạt lở là do hòn núi bị đào lấy đất, hạ độ cao làm con đường, mất cây bảo vệ nên mưa lớn nước nong ẩm ướt, làm cho đất mềm dần rồi rơi xuống từng mảng. Theo kinh nghiệm của người dân bản địa, đây là hòn với kết cấu đất đỏ, cùng đá non, nên rất dễ bị nước thẩm thấu, đất đỏ bị làm mềm, lúc làm đường cây cối bị mất chân bám nên dẫn đến sạt lỡ là tất yếu. Hơn nữa, toàn bộ phía bên vách núi, các nhà thi công không có xây đá kè, vách chắn, nên bùn đất cứ theo thời gian thụt lún, kéo theo những tảng đá lớn rơi xuống mặt đường.
Lực lượng Biên phòng Nam Du tuần tra, kiểm tra tình trạng sạt lở
Ngoài việc bị bùn, đất, đá vương vãi lên mặt đường và lấp hoàn toàn hệ thống thoát nước, mỗi khi mưa lớn, nước mang bùn đỏ tràn qua mặt đường chảy thoát ra biển, nên hiện nay con đường có rất nhiều đoạn bị đóng rong rêu, rất trơn trợt. Điều này sẽ rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông, nhất là du khách mới đến. Trong khi con đường lại có nhiều dốc cao, khúc cua, vực thẳm, xa xa có những hòn đá chắn ngang, lại không có đèn chiếu sáng, rất nguy hiểm vào ban đêm. Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay dọc vách núi cao có nhiều vết rạn nứt, nhiều tán cây trơ rễ, chỉ cần vài trận mưa lớn sẽ ngã đổ, kéo theo lượng lớn bùn đất, đá tiếp tục rơi xuống mặt đường.
Ông Lân Hữu Hiệp, du khách đến từ TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, nói: “Mới ra đây lần đầu, đi vòng quanh đảo với con đường bê- tông thật thú vị, được ngắm biển, trời, mây, núi thật là thích. Nhưng xa xa lại có mảng đá, đất rơi xuống, rồi còn nhiều khe nứt dài, chuẩn bị rơi, tôi thấy rất sợ. Mong rằng chính quyền địa phương sớm khắc phục tình trạng này, chứ để thế này hoài rất nguy hiểm, có ngày đá rơi chết người”.
Thượng tá Đặng Văn Mạnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nam Du, cho biết: “Nhằm khắc phục vấn đề ách tắt giao thông, Đồn Biên phòng Nam Du đã thường xuyên huy động cán bộ, chiến sĩ với những phương tiện sẵn có để chuyển lượng cát đá đi nơi khác. Tuy nhiên, mỗi ngày mưa to lại có hàng ngàn khối đất đá rơi xuống đường, lực lượng biên phòng thì mỏng, không có công cụ hỗ trợ, nên cũng chỉ khác phục một phần nào. Đối với những khối đá to thì đơn vị không thể nào mang đi được…”.
Bình luận (0)