Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của gió Đông Bắc mạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao và một vùng áp thấp, các tỉnh Nam Trung Bộ có mưa to đến rất to trong hai ngày 30 và 31-10. Hôm nay, 1-11, các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận tiếp tục có mưa to đến rất to; lũ các sông từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận có khả năng lên lại.
Tuyến đường đến phường Ngọc Hiệp, TP Nha Trang bị ngập sâu. Ảnh: TTXVN
Bình Định: 3 tàu với 25 ngư dân gặp nạn
Theo Bộ đội Biên phòng Bình Định, mưa lớn, gió to, sóng mạnh đã làm ít nhất 3 tàu đánh cá với khoảng 25 ngư dân của tỉnh gặp nạn trên biển.
Chiều 30-10, tàu cá BĐ 30426-TS của ông Lê Văn Tiến ở huyện Phù Cát cùng với 5 ngư dân bị sóng đánh gãy chân vịt trên vùng biển thuộc đảo Côn Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu), từ đó đến nay không liên lạc được. Chiều cùng ngày, tàu cá BĐ 50377-TS do ông Nguyễn Hữu Quang ở huyện Hoài Nhơn làm thuyền trưởng cùng 10 ngư dân cũng bị sóng đánh hỏng máy trôi dạt trên vùng biển Trường Sa. Đến chiều 31-10, Bộ đội Biên phòng Bình Định đã liên lạc được với tàu BĐ 50377-TS.
Cũng trong ngày 30-10, tàu cá BĐ 96247-TS của ông Văn Công Trãi ở huyện Hoài Nhơn cùng 7 ngư dân xuất phát từ TP Quy Nhơn ra khơi câu mực bị sóng đánh gãy bánh lái tàu, trôi dạt đến vùng biển Sa Huỳnh - Quảng Ngãi. Ông Trãi và 7 ngư dân phải bỏ tàu bơi vào bờ. Đến chiều 31-10, 7 ngư dân vào bờ an toàn, riêng ông Trãi thì bị sóng biển cuốn mất tích.
Mưa lũ gây ngập lụt nặng ở TP Nha Trang, lực lượng cứu hộ đưa một em bé đến nơi an toàn. Ảnh: TTXVN
Phú Yên: Thông đường sắt và Quốc lộ 1A
Phú Yên tiếp tục có mưa lớn trong ngày 31-10 khiến nhiều vùng bị lũ chia cắt. Các xã Hòa Tâm - huyện Đông Hòa, Hòa Thịnh - huyện Tây Hòa, Xuân Sơn Bắc - huyện Đồng Xuân bị lũ cô lập hoàn toàn; rất nhiều thôn, xóm ở các huyện này và thị xã Sông Cầu cũng bị lũ cô lập. Mưa lũ đã cuốn mất tích ông Phạm Đình Cư (SN 1957, ở xã Hòa Xuân Nam - huyện Đông Hòa) khi đang lùa trâu chạy lũ vào trưa 30-10 trên sông Hảo Sơn.
Chiều 31-10, đường sắt Bắc - Nam đoạn qua Hảo Sơn - Đại Lãnh trên cung đường sắt Phú Yên - Khánh Hòa đã thông tuyến sau hơn 21 giờ bị tắc hoàn toàn. Chiều cùng ngày, Quốc lộ 1A qua đèo Cả thuộc địa phận tỉnh Phú Yên cũng đã thông xe hai chiều sau khi các đơn vị chức năng giải tỏa điểm sạt lở với hàng ngàn khối đất đá. Tuy nhiên, nhiều điểm khác trên Quốc lộ 1A đoạn qua đèo Cả đang có nguy cơ sạt lở nặng.
TP Nha Trang chìm trong biển nước
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão Khánh Hòa, mưa lớn đã gây nhiều thiệt hại cho người dân. Tại phường Ba Ngòi - thị xã Cam Ranh, 30 ha đìa nuôi tôm bị ngập, thiệt hại khoảng 12 tỉ đồng. Tại xã Cam Thành Nam - thị xã Cam Ranh, nhiều diện tích đất canh tác bị sạt lở, thiệt hại ước tính 4 tỉ đồng. Năm xã thuộc huyện Ninh Hòa bị ngập đến 1 m. Hiện một số tuyến đường như Tỉnh lộ 9, Tỉnh lộ 2 cũng ngập gần 1 m ở nhiều đoạn.
Mưa lớn từ tối 29 đến ngày 31-10 làm nhiều tuyến đường, khu vực ở TP Nha Trang chìm trong biển nước. Ở 2 phường Vĩnh Nguyên và Vĩnh Phước có 32 ngôi nhà bị sập. TP Nha Trang đã di dời 62 hộ dân đến nơi an toàn. Hai tàu cá của ngư dân trôi ra biển, trong đó có một chiếc với 2 người bị chìm.
Các sông ở Khánh Hòa đang ở mức xấp xỉ báo động 3. Một số hồ chứa nước như Am Chúa, Láng Nhớt, Suối Dầu... phải mở cửa tháo lũ. Tỉnh đã di dời 70 hộ với 289 người đến nơi an toàn.
Ông Tăng Khánh Lộ (79 tuổi, ở xã Ninh Bình - huyện Ninh Hòa), ông Võ Văn Luận (55 tuổi, xã Diên Phú - huyện Diên Khánh) và một cháu bé 10 tháng tuổi ở huyện Diên Khánh là 3 người thiệt mạng ở Khánh Hòa tính đến chiều 31-10 do mưa lũ. Trong khi đó, hơn 20 hành khách đã may mắn thoát chết lúc rạng sáng cùng ngày khi một chiếc xe khách từ Thừa Thiên - Huế đi Đà Lạt cố vượt lũ, gặp điểm nước xoáy và bị chết máy ở đèo Khe Me trên Tỉnh lộ 2, đoạn qua xã Diên Thọ - huyện Diên Khánh. Lực lượng tại chỗ của xã Diên Thọ đã kịp thời đến ứng cứu, giải thoát hành khách, kéo chiếc xe lên vùng đất cao.
Ninh Thuận: Lũ vượt báo động 3
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão Ninh Thuận, mưa lũ đã làm ngập 120 ngôi nhà, hơn 5.400 ha lúa - hoa màu và gần 70 ha ao nuôi tôm; 8 chiếc thuyền bị chìm, 450 m kênh mương và nhiều tuyến giao thông bị sạt lở. 18 xã của 3 huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc và TP Phan Rang – Tháp Chàm bị ngập 0,4-0,6 m. Quốc lộ 1A và Quốc lộ 27 có 5 vị trí bị nước lũ tràn qua gây ngập khoảng 0,5m. Nước lũ cũng đã cuốn trôi một người ở xã Phước Thuận - huyện Ninh Phước, hiện vẫn chưa tìm thấy.
Lũ trên các sông ở Ninh Thuận ngày 31-10 đều vượt mức báo động 3 từ 0,93 m đến 1,42 m. Các hồ chứa nước như CK7, Suối Lớn, Ma Trai, Ba Tri, Nước Ngọt, Ông Kinh, Thành Sơn... phải xả lũ tại các cửa và qua tràn tự do. Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận đang triển khai kế hoạch đóng mở nước, bảo đảm an toàn cho các hồ, đập, cống tiêu; phối hợp với các đơn vị xung kích bảo vệ, xử lý các sự cố thân đê, kè; đặc biệt chú trọng bảo vệ vững chắc đê Sông Dinh dài hơn 10 km để bảo vệ TP Phan Rang - Tháp Chàm.
Cơ quan chức năng ở Ninh Thuận đã tổ chức di dời 1.337 hộ dân đến nơi an toàn; đồng thời thông báo cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học trong 2 ngày 1 và 2-11.
Chống lũ theo cấp báo động
Ngày 31-10, Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương đã có công điện gửi UBND các tỉnh, TP từ Phú Yên đến Bình Thuận, đề nghị triển khai chỉ đạo phương án chống lũ theo cấp báo động.
Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương yêu cầu các địa phương nêu trên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; kiểm tra, rà soát các khu dân cư đang sống ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng thường xuyên bị lũ chia cắt để chủ động tổ chức sơ tán dân; chuẩn bị dự trữ lương thực, nước uống và nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với tình huống lũ lớn xảy ra; kiểm tra các hồ chứa nước, phát hiện và xử lý kịp thời sự cố để bảo đảm an toàn công trình... |
Bình luận (0)