Trong ngày 16-11, mưa lớn tiếp tục dội xuống dải đất miền Trung khiến cho nhiều nơi ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi... ngập chìm trong nước. Hàng ngàn người dân phải sơ tán.
Quảng Ngãi: Di dời dân khẩn cấp
Ngày 16-11, do mưa lớn, hầu hết các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đều vượt mức báo động 3, gây ngập lụt trên diện rộng ở vùng đồng bằng. Bên cạnh đó, vùng núi bị sạt lở nhiều nơi gây ách tắc giao thông. Đáng chú ý là nước sông Trà Bồng lên trên mức báo động 3 hơn 1 m.
Thị trấn Châu Ổ (huyện Châu Ổ) chìm trong biển nước. Quốc lộ 1A qua địa phương này bị ngập nhiều điểm. Các xã Bình Chương, Bình Minh, Bình Mỹ dọc ven sông Trà Bồng bị ngập nặng, phải di dời khẩn cấp 650 hộ dân.
Hiện vẫn còn 300 hộ dân bị lũ đe dọa vẫn chưa kịp di dời. Quân khu 5 và Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi đã hỗ trợ 6 ca nô và 4 ghe đẩy để tiếp cận với các vùng bị cô lập.
Tại huyện miền núi Ba Tơ, mưa lũ đã cuốn trôi cầu tạm Tà Năng và làm ngập cầu sông Liên. Quốc lộ 24 nối Quảng Ngãi - Kon Tum đã bị chia cắt.
Ông Phạm Văn Chung, 49 tuổi, cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã Ba Thanh, đi làm về ngang suối Gò Ôn bị lũ cuốn trôi, chưa tìm được tung tích.
Tại 2 huyện Tây Trà và Trà Bồng, đã xuất hiện thêm nhiều điểm sạt lở núi đe dọa đến tính mạng và tài sản nhiều hộ dân. Huyện Tây Trà đã có 8/9 xã bị cô lập hoàn toàn.
Người dân Quảng Ngãi khẩn cấp chạy lũ với số tài sản ít ỏi mang theo. Ảnh: XUÂN LONG
Tại huyện Tây Bồng, mưa lớn cũng đã gây sạt lở nặng tại 5 điểm, huyện đã di dời khẩn cấp 200 hộ dân. Nước lũ đã tràn qua Tỉnh lộ 622 đoạn giữa xã Trà Sơn và thị trấn Trà Xuân. Mưa lũ cũng đã chia cắt hầu hết các tuyến đường trên địa bàn huyện Nghĩa Hành.
Trong đó có nhiều điểm trên các tuyến Tỉnh lộ 624, 624B bị ngập sâu từ 0,5 - 0,7 m và hàng chục điểm bị sạt lở nghiêm trọng. Tại huyện miền núi Sơn Tây, tuyến đường đi về các xã Sơn Tinh, Sơn Lập, Sơn Long bị chia cắt. Hàng chục đập tạm bị lũ cuốn trôi.
Chiều cùng ngày, huyện Mộ Đức khẩn cấp ứng cứu hồ chứa nước Đá Bàn, ở xã Đức Tân có dung tích 940 triệu m3, đang xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa 194 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu đang sinh sống ở hạ lưu.
Quảng Nam: Giao thông tê liệt
Đến chiều 16-11, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam vẫn bị ngập nặng, nhiều tuyến đường trong huyện bị ngập sâu hơn 1 m, giao thông bị chia cắt. Tuyến đường từ huyện Duy Xuyên - Nông Sơn nước ngập sâu từ 2,5 - 3 m.
Thủy điện xả lũ, dân lãnh đủ
Các hồ thủy lợi, thủy điện tại tỉnh Thừa Thiên – Huế đã vượt đỉnh tràn, trong đó hồ Truồi đạt 38,45 m, qua tràn 2,45 m; hồ Hòa Mỹ đạt 36,1 m, qua tràn 1,1 m; hồ thủy điện Bình Điền đạt 82,85 m, cao hơn ngưỡng tràn 9,85 m; Để điều tiết lũ cho hạ du, hồ thủy điện Hương Điền đang xả lũ với lưu lượng 1.400 m³/s, hồ thủy điện Bình Điền xả lũ với lưu lượng về hạ du là 743 m³/s (tăng gấp đôi so với lưu lượng xả lũ vào ngày 15-11). Nhiều nhà dân ở hạ du bị ngập nặng. |
Hàng chục tuyến đường liên xã, liên huyện Nông Sơn, Duy Xuyên, ngập từ 1 - 2 m, có nơi ngập đến 4 m. Ban Phòng chống lụt bão huyện Nông Sơn đã có cuộc họp nhanh để có cách ứng phó với tình hình.
Qua đó, tiếp tục tập trung tổ chức kiểm tra tại từng địa phương, tiếp tục tổ chức đưa đón người dân ở những vùng bị ngập, chuẩn bị các điều kiện để sơ tán dân ra khỏi vùng có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất.
Sáng cùng ngày, mưa lớn, lũ lụt dâng cao chảy xiết mấy ngày qua gây xói lở, dẫn đến sụt lún tại hai trụ số 5 và số 6 làm gãy nhịp cầu Gò Nổi tại xã Duy An, huyện Duy Xuyên.
Ông Nguyễn Bá Nghĩa, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Trước mắt, chúng tôi đang phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh và của địa phương triển khai chốt chặn ở hai đầu cầu, không cho phương tiện xe cơ giới đi qua cầu để bảo đảm an toàn tính mạng cho dân”.
Thừa Thiên- Huế: 4 người chết, 1 người mất tích
Do mưa to với cường độ lớn, đặc biệt khu vực đồng bằng, cộng thêm việc xả lũ của các hồ thủy điện nên đã gây ngập úng cục bộ hầu hết tuyến đường từ 0,3 - 0,5 m.
Tại TP Huế, nhiều khu vực nội thành tập trung các đường Thánh Gióng, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Xuân Ôn, Trần Quốc Toản, Lê Đại Hành... cũng ngập nặng. Các xã dọc theo triền sông Ô Lâu, sông Bồ, huyện Hương Trà ngập từ 0,3 - 0,7 m; các tuyến Quốc lộ 49B, Tỉnh lộ 6, Tỉnh lộ 17, Tỉnh lộ 4, Tỉnh lộ 4A, 8A, 8B ngập nước từ 0,5-1m khiến giao thông tắc nghẽn.
Mưa lớn, các hồ thủy điện xả lũ làm ngập nặng nhiều nhà dân ở huyện Hương Trà. Ảnh: Xuân Long
Tuyến đường Hồ Chí Minh sạt taluy dương tại vị trí xã Hồng Vân và xã A Roàng, huyện A Lưới gây tắc đường; Quốc lộ 1A xói lở, Quốc lộ 49A sạt lở 13 vị trí, Quốc lộ 49B bị xói lở 750 m² lề đường, 7.970 m² mặt đường.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, mưa lũ đã làm 4 người chết, 1 người mất tích, gần 30.000 ngôi nhà bị ngập. Toàn bộ trường học trong tỉnh với hơn 280.000 học sinh phải nghỉ học.
Nước các sông tiếp tục dâng cao
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương lũ trên các sông ở Quảng Nam đang lên; các sông ở Thừa Thiên - Huế đang dao động ở mức cao; các sông ở Quảng Ngãi lên lại.
Dự báo, lũ trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi tiếp tục lên và ở mức cao. Sáng sớm 17-11, mực nước các sông có khả năng như sau: Sông Bồ tại Phú Ốc lên mức 4,5 m báo động (BĐ) 3; sông Hương tại Kim Long lên mức 3,5 m (BĐ 3); sông Vu Gia tại Ái Nghĩa lên mức 9,5 m, trên BĐ 3: 0,5 m; sông Thu Bồn tại Câu Lâu lên mức 4,3 m, trên BĐ 3: 0,3 m; sông Trà Bồng tại Châu Ổ lên mức 5,7 m; trên BĐ 3: 1,2 m; sông Trà Khúc tại cầu Trà Khúc lên mức 7,0 m, trên BĐ 3: 0,5 m; sông Vệ tại cầu Sông Vệ lên mức 5,5 m, trên BĐ 3: 1 m.
B.Trân |
Bình luận (0)