xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mưa lũ hoành hành, bão dữ lại ập đến

NGUYỄN QUYẾT

Trong khi mưa lũ đang hoành hành thì bão số 7 rất nguy hiểm đang ập tới, uy hiếp hàng loạt tỉnh Bắc Trung Bộ và Trung Bộ

Chiều 16-10, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai (Ban Chỉ đạo) đã họp trực tuyến cùng tỉnh, thành tìm phương án phòng chống bão lũ, bảo đảm an toàn cho người dân.

Bão mạnh, diễn biến phức tạp

Nhận định về cơn bão số 7 đang tiến về đất liền, ông Hoàng Văn Thắng - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Phó Ban Chỉ đạo - nhận định: “Đây là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp, xảy ra trong bối cảnh mưa lũ liên tiếp, kéo dài trong nhiều ngày ở Bắc Trung Bộ, các hồ chứa đã tích nước ở mức cao; diện tích cây trồng màu vụ đông đã gieo trồng rất lớn...”.


Nhiều trường học ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh vẫn ngập sâu trong nước Ảnh: ĐỨC NGỌC

Nhiều trường học ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh vẫn ngập sâu trong nước Ảnh: ĐỨC NGỌC

Theo Ban Chỉ đạo, dự báo đến 10 giờ hôm nay (17-10), vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,7 độ vĩ Bắc; 114,0 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16-17.

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, cho biết cơn bão này di chuyển tương đối nhanh, khoảng 15-20 km/giờ. Trong 3 ngày nữa, bão sẽ vào vịnh Bắc Bộ với cấp 12-13, nhiều khả năng bão sẽ giữ cường độ hoặc giảm 1-2 cấp khi vào đất liền. Có 2 kịch bản xảy ra với cơn bão này: nó sẽ đi theo hướng Bắc vào đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ hoặc đi vào hướng Nam thì vào Trung Trung Bộ.

Bão có thể gây mưa nhưng không lớn như đợt áp thấp nhiệt đới vừa qua. Dự báo vùng mưa lớn nhất là đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, từ Nghệ An vào là chính, từ Hà Tĩnh trở vào sẽ ít hơn. Đáng lưu ý, ở thời điểm từ ngày 19 đến 22-10, triều cường lớn nhất trong năm nên có thể gây nước dâng 2 m vùng ven biển, sóng biển dâng cao 5-6 m.

Không để người dân nào bị đói

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho biết hầu hết các hồ chứa thủy lợi nhỏ ở Bắc Trung Bộ đã tích đầy nước. Các hồ chứa lớn có lượng nước từ 70% - 80% dung tích thiết kế; các hồ chứa thủy điện lớn đạt từ 70%- 80% và các hồ chứa nhỏ xấp xỉ đạt mực nước dâng bình thường.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nói: “Các tỉnh, tuyến đất liền dự kiến bão đổ bộ từ Trung Trung Bộ trở ra có nhiều hồ thủy điện, hồ chứa. Vừa qua, mưa to nên hầu như đa số hồ chứa nước đã sắp đầy, nếu không có phương án tốt thì sẽ là thảm họa”.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị UBND các tỉnh, TP thực hiện nghiêm 2 công điện của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, trước hết tập trung tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi nạn nhân các gia đình có người chết, mất tích. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Không được để bất kỳ một người dân nào, hộ gia đình nào bị đói. Cùng với đó khôi phục hạ tầng để tiếp tục sản xuất, sửa chữa nhà cửa cho người dân để sớm ổn định cuộc sống”.

Để ứng phó với cơn bão số 7, Phó Thủ tướng giao cho Bộ NN-PTNT rà soát lại toàn bộ hệ thống đê điều, hồ, đập thủy điện; Bộ Giao thông Vận tải bảo đảm an toàn các tàu vận tải, kiểm tra việc neo đậu phương tiện được an toàn, bảo đảm an toàn cả đường sắt, đường bộ, đường không và đường thủy; Bộ Công Thương bảo đảm an toàn hệ thống điện, hệ thống hầm lò khai thác khoáng sản; Bộ Y tế phải chủ động các bệnh viện cấp cứu người bị tai nạn, bảo đảm vệ sinh an toàn, nước sạch cho người dân… Các bộ, ngành khác phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ.

33 người chết và mất tích

Tin từ Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, tính đến 18 giờ ngày 16-10, mưa lũ đã làm chết 24 người (Quảng Bình: 18, Hà Tĩnh: 3, Nghệ An: 2, Thừa Thiên - Huế: 1) và làm 9 người mất tích (Quảng Bình: 7, trong đó 5 người của tàu vận tải HD 2155 và HD 2138, Hà Tĩnh: 1, Thừa Thiên - Huế: 1).

Mưa lũ cũng đã khiến 100.383 ngôi nhà bị ngập (Thanh Hóa: 30, Nghệ An: 2.835, Hà Tĩnh: 24.158, Quảng Bình: 71.251, Quảng Trị: 1.589, Thừa Thiên - Huế: 520); 20 tàu bị chìm, 1 tàu mất tích.

Về nông nghiệp, đã có 1.598 ha lúa và 9.485 ha hoa màu của các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế bị ngập; 3.074 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, trong đó Nghệ An 1.971 ha, Hà Tĩnh 337 ha, Quảng Bình 597 ha, Quảng Trị 39 ha và Thừa Thiên - Huế 130 ha. V.Duẩn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo