Theo Trung tâm Phòng chống lụt bão (PCLB) khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đến cuối giờ chiều 18-9 đã thông báo và hướng dẫn cho 42.463 tàu với 170.871 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 8 để chủ động phòng tránh.
Khẩn trương di dời dân
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cấp 5.000 bao tải và 700 m2 vải lọc để UBND xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc chủ động xử lý sạt lở bờ biển khi có tình huống xảy ra. Trong khi đó, 14 hộ dân nằm trong vùng xung yếu, sạt lở nặng ở xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc cũng được di dời khẩn cấp.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB - Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết mực nước trên các triền sông đang xấp xỉ báo động I. Nhằm đón một lượng mưa lớn có thể xảy ra, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu ban quản lý một số hồ thủy điện xả nước để bảo đảm an toàn.
Trước tình trạng các tàu thuyền ra khơi trước và trong khi bão vào, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu lực lượng biên phòng, chính quyền các xã ven biển túc trực tại các cửa biển để ngăn chặn ngư dân.
Lúc 4 giờ 30 phút ngày 18-9, một cơn lốc xoáy có sức gió mạnh đã đi qua thôn Tân Hòa, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị làm tốc mái 18 nhà dân, trong đó có 7 nhà bị hư hỏng nặng. Cùng ngày, một cơn lốc xoáy kèm theo mưa lớn quét qua thôn Phú Tài, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị làm 11 nhà dân bị hư hỏng, trong đó có 4 nhà bị tốc mái hoàn toàn, hàng trăm cây xanh bị gãy đổ.
Nước dâng cao, thủy điện xả lũ
Tại TP Đà Nẵng, hàng trăm ngư dân các phường Nâm Thái, Thọ Quang, quận Sơn Trà cùng nhau đưa tàu thuyền lên bờ. Lực lượng chức năng cũng điều xe chạy dọc tuyến đường ven biển để thông báo tình hình mưa bão và yêu cầu người dân chằng chống nhà cửa. Tuy nhiên, do mưa lớn đã làm nhiều tuyến đường huyết mạch trong TP Đà Nẵng bị ngập nặng, gây ách tắc giao thông.
Tại tỉnh Quảng Nam, mực nước các sông, ao, hồ bắt đầu dâng cao. Mưa lớn làm ngập úng nhiều diện tích ruộng đồng của nông dân, đặc biệt là lúa vụ hè thu. Ông Trần Văn Tùng (60 tuổi, ngụ thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ) đau xót: “Nhà có gần 3 sào lúa đang vào vụ thu hoạch nhưng trời mưa như trút nước đã làm ngã đổ hết”.
Ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho biết các huyện Phước Sơn, Nam Giang, Bắc Trà My… còn khoảng 1.700 ha lúa hè thu chưa thu hoạch... Tại TP Tam Kỳ, nhiều cây xanh bị bật gốc, gây ách tắc giao thông. Đại tá Phạm Mưng, Trưởng Công an huyện Nam Giang, cho biết hiện vẫn chưa tìm thấy anh A Lăng Mốt (18 tuổi, ngụ huyện Đông Giang) bị mưa lũ cuốn mất tích.
Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, yêu cầu các sở, ban, ngành và lãnh đạo các địa phương không được chủ quan trong việc phòng chống bão lũ. Về việc xả nước ở các hồ chứa, hồ thủy điện phải có sự phối hợp nhịp nhàng, không để tình trạng dưới dâng lên trên xả xuống, gây mất an toàn cho người dân.
Mưa lớn cũng làm lượng nước đổ về hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My tăng đột biến. Theo ông Nguyễn Văn Lân, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh, trưa 18-9, nước hồ chứa dâng lên cao trình 142,25 m, cao hơn mực nước chết 2,25 m. “Chúng tôi phải phát liên tục 2 tổ máy để hạn chế việc tích nước” - ông Lân nói.
Theo Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Phú Yên, Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ đã xả lũ qua tràn và xả nước chạy máy lên 1.000 m3/giây. Dự kiến đến rạng sáng 19-9, thủy điện này sẽ xả nước lên 1.400 m3/giây. Chính quyền tỉnh Phú Yên đã yêu cầu các địa phương có kế hoạch bảo vệ khu dân cư vùng trũng thấp, neo đậu tàu thuyền ở bến bãi hạ lưu các sông chắc chắn.
Hàng trăm hộ dân bị cô lập
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Quảng Ngãi, đã có trên 1.900 tàu thuyền của ngư dân vào nơi neo trú an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn 94 tàu cá đánh bắt ở những vùng biển ven bờ chưa vào neo trú kịp thời. Ngoài ra, tính đến trưa 18-9, vẫn còn khoảng 773 tàu thuyền với 7.000 lao động hoạt động trên các vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa… Trong đó có tàu cá của ông Nguyễn Chí Thạnh (huyện Lý Sơn) cùng 15 ngư dân đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa vẫn chưa liên lạc được.
Tại các huyện miền núi Sơn Tây, Tây Trà…, mưa liên tiếp trong mấy ngày qua đã khiến một số tuyến đường nối với TP Quảng Ngãi bị sạt lở nặng. Đặc biệt, các tuyến đường từ trung tâm xã Trà Xinh (huyện Tây Trà) nối về các thôn xuất hiện những điểm sạt lở núi nghiêm trọng, chia cắt hàng trăm hộ dân thôn Trà Ôi. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu tạm hoãn các cuộc họp, hội nghị, hội thảo để tập trung vào công tác phòng chống bão số 8.
Hôm nay, bão số 8 thành áp thấp nhiệt đới Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lúc 16 giờ ngày 18-9, vị trí tâm bão số 8 cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Trị - Quảng Nam khoảng 160 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9-10. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4 giờ ngày 19-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. V.Duẩn |
Bình luận (0)