Chiều 19-9, nhiều tuyến đường ở thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam vẫn ngập trong nước Ảnh: Trần Thường
Vẫn còn ngập sâu
Sáng 19-9, phóng viên Báo Người Lao Động đã đến huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam - nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất từ cơn bão số 8. Hàng ngàn ngôi nhà vẫn chìm trong nước, giao thông ách tắc và các xã hầu như bị chia cắt hoàn toàn.
Tại thị trấn Ái Nghĩa của huyện Đại Lộc, con đường duy nhất đến các xã khác bị nước lũ từ sông Vu Gia tràn qua khiến người dân đi lại hết sức khó khăn. Nước rút đến đâu là người dân tranh thủ dọn dẹp, gội rửa bùn đất bám quanh nhà. Nhiều người tranh thủ bơi thuyền ra đồng hái bắp.
Bà Nguyễn Thị Bé (ngụ xã Đại Đồng) khi đang thu dọn đồ đạc tránh lũ thì ngã gãy tay, nước cuốn trôi một đoạn, may mắn được người nhà vớt kịp. Trong lúc dọn đồ đạc tránh lũ, ông Võ Năng (SN 1976, ngụ xã Đại Phong) bị đột quỵ dẫn đến tử vong và ông Nguyễn Văn Bá (61 tuổi, ngụ xã Đại Phong) rớt từ mái nhà xuống đất, gãy xương sườn và xương bả vai.
Ngập nặng nhất là xã Đại Lãnh. Từ khoảng 19 giờ ngày 18-9, nước bắt đầu tràn vào nhà dân, có nơi ngập tận mái nhà. Đến trưa 19-9, tuy nước đã hạ nhưng nhiều nhà vẫn còn ngập.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện Đại Lộc, bão số 8 đã gây ngập lụt cục bộ trên địa bàn huyện, làm thiệt hại về tài sản ước tính hơn 50 tỉ đồng, trong đó thiệt hại về dân sinh hơn 30 tỉ đồng, thiệt hại về giao thông hơn 19 tỉ đồng.
Nhiều nơi còn bị cô lập
Theo thống kê của các tỉnh, thành ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đến cuối ngày 19-9, đã có 4 người chết (1 người ở tỉnh Quảng Trị, 1 người ở tỉnh Quảng Nam, 2 người ở tỉnh Đắk Lắk) và 13 người mất tích (5 người ở tỉnh Nghệ An, 2 người ở tỉnh Quảng Nam, 6 người ở tỉnh Đắk Lắk).
Vào khoảng 18 giờ ngày 19-9, tại đập tràn Khe Ang (xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An), 1 ô tô chở 7 người bị lũ cuốn, 2 người nhảy ra khỏi xe thoát nạn, 5 người bị cuốn trôi theo xe.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế cơ bản khắc phục xong sự cố mất điện tại 12 tuyến. Trong sáng cùng ngày, 52 hộ dân xóm Ghềnh - Cồn Đâu của xã Hải Dương, thị xã Hương Trà đã quay về nhà sau khi phải sơ tán tránh bão vào chiều 18-9.
Siêu bão đang hình thành
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sáng 19-9, bão số 8 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đổ bộ vào các tỉnh Trung Trung Bộ, di chuyển sang Nam Lào và tan dần. Hiện ngoài khơi Thái Bình Dương đang có 1 siêu bão hoạt động, có tên quốc tế là Usagi.
Đến chiều 19-9, tâm bão Usagi cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 550 km về phía Đông; cường độ mạnh cấp 15, giật trên cấp 17. Trong 2-3 ngày tới, bão Usagi di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và có khả năng mạnh thêm. Trưa 21-9, bão Usagi sẽ vào biển Đông và là cơn bão số 9 của năm nay. B.M.Tăng
|
Tiếp tục tìm kiếm nạn nhân Đến tối 19-9, lực lượng cứu hộ tỉnh Đắk Lắk đã vớt được thi thể 2 nạn nhân và cứu sống 4 người trong vụ nước lũ cuốn trôi 12 người trưa 17-9 tại huyện Ea Súp. Hai người chết là ông Đào Văn Lý (49 tuổi) và bà Hầu Thị Mỵ (44 tuổi), cùng ngụ xã Cư K’bang. Lực lượng cứu hộ cũng đã đưa bà Lý Thị Pằng (47 tuổi, vợ ông Lý) cùng 2 con là Đào Thị May (16 tuổi) và Đào Thị Thủy (16 tháng tuổi) cùng ông Đào Văn Thanh (46 tuổi) vào khu vực an toàn. Hàng trăm người thuộc lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ và người dân với hàng chục canô, thuyền máy vẫn tiếp tục chạy dọc sông Ea H’leo để tìm thi thể 6 nạn nhân còn lại. Sáu người này trong 4 gia đình gồm: 2 con gái bà Pằng là Đào Thị Phương (7 tuổi) và Đào Thị Thúy (4 tuổi); ông Đào Văn Dinh (58 tuổi), Dương Thị Hoa (34 tuổi, con dâu ông Dinh), Đào Thị Nhành (11 tuổi, con của chị Hoa) và bà Lý Thị Di (43 tuổi). Tỉnh Đắk Lắk có 554 công trình hồ chứa và 14 cầu cống bị cuốn trôi và hư hỏng, nhiều đoạn đường sạt lở gây chia cắt, hơn 2.000 ngôi nhà ngập sâu trong nước khiến hàng ngàn hộ dân phải di dời. C.Nguyên |
Bình luận (0)