Ông là Tô Văn Cắm (bí danh Tô Tiến Lực, SN 1922) là người dân tộc Tày tại bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng và hiện đang sinh sống tại thôn 8B, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng.
Năm 19 tuổi, ông Cắm tham gia Hội Cứu quốc. Năm 1942, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về xã Tam Kim hoạt động, ông được gặp Đại tướng ở một lán trại trong khu rừng dưới chân núi Slam Cao (hay còn gọi là rừng Trần Hưng Đạo).
Được sự giác ngộ của Đại tướng, ngày 22-12-1944, ông Cắm được tuyên thệ dưới lá cờ Tổ quốc trong khu rừng Trần Hưng Đạo và được đứng vào đội ngũ 34 chiến sĩ Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - đội tiên phong của QĐND Việt Nam anh hùng. Kể từ khi Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thanh lập cho đến chiến thắng Điện Biên Phủ, ông không có dịp gặp lại Đại tướng.
Lần thứ 2 ông được gặp Đại tướng là vào tháng 7-2000, khi Đại tướng đi thăm các cơ quan quân sự ở miền Nam, dừng chân ở Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Khi biết ông đang sống ở Lâm Đồng, Đại tướng mong được gặp. Cuộc gặp mặt sau hơn nửa thế kỷ đã khiến người lính già vô cùng xúc động.
Ngay sau khi anh Tô Văn Tuân, người con trai của ông Cắm, báo với ông rằng Đại tướng đã qua đời, ông ngồi trầm ngâm, lặng lẽ, cố kìm nén cảm xúc trào dâng. Rồi ông bật khóc nức nở ngay sau đó.
Ông Cắm rất đau buồn và quyết định lập bàn thờ Đại tướng ngay tại nhà riêng để tỏ lòng tôn kính và để hình ảnh của Đại tướng luôn hiện hữu bên mình.
Đại tướng rất nhân hậu
Đã sáu mươi chín năm qua, ông Cắm vẫn không thể quên được thời khắc lịch sử ông gặp anh Văn - bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vào năm 1942 khi về Tam Kim hoạt động. Đại tướng nói với ông Cắm: “Không sợ giặc Pháp đâu, có chúng tôi ở đây, sẵn sàng đi chiến đấu đi, chờ thời cơ rồi quân, dân mình đi chiến đấu, đánh đuổi thực dân Pháp. Rồi bà con sẽ được sống yên ổn, ấm no”. “Anh Văn là người đã giác ngộ cách mạng cho tôi và chọn tôi vào Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân”- ông Cắm nói và nhận xét: “Anh Văn là người rất dễ gần và rất tình cảm”.
Ngược miền ký ức, người chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân năm xưa, nay đã ở tuổi 91, kể về những kỷ niệm rất đời thường giữa ông và Đại tướng. Đó là những đêm ngủ chung lán trong rừng Slam Cao được Đại tướng kể rất nhiều chuyện về cách mạng, về con đường phải chọn là đánh đuổi thực dân Pháp.
Xung phong lên đường Cuộc đời binh nghiệp của ông Cắm không dài. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông theo đoàn quân Nam tiến và đóng quân tại tỉnh Rạch Giá. Trong một trận chiến đấu giữa năm 1946, ông bị thương và trở về quê hương. Năm 1947, Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn, ông xung phong lên đường. Chiến dịch Biên giới 1950, ông là trung đội trưởng pháo binh và trong trận đánh đồn Đông Khê (tỉnh Cao Bằng), ông bị thương nặng. Vết thương này khiến ông phải chia tay con đường binh nghiệp. |
Bình luận (0)