xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mỹ Hòa - nỗi đau chưa nguôi

Bài và ảnh: Ca Linh

Bốn năm đã trôi qua sau vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ cướp đi sinh mạng hàng chục người gây chấn động dư luận, nỗi buồn đau vẫn còn vương vất ở Mỹ Hòa

Ngày 16-8 âm lịch (16-9-2011) vừa qua, xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh – Vĩnh Long đã tổ chức giỗ tập thể cho các nạn nhân vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ. Cách đây 4 năm, ngày 26-9-2007, hai nhịp dẫn cầu Cần Thơ khi đang xây dựng đã đổ sụp làm 55 người chết - trong đó Mỹ Hòa có 34 người - và 42 người bị thương.

Quyết thờ chồng, nuôi con

Ông Trương Văn Lợt, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa, cho biết 4 năm qua, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương thường xuyên đến thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân.  
Khu tưởng niệm các nạn nhân vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ ở ấp Mỹ Hưng 2, xã Mỹ Hòa luôn nghi ngút khói hương, ấm áp nhang đèn. Hàng trăm đoàn khách khắp nơi cũng đã đến đây thắp hương tưởng niệm các nạn nhân…

Sau sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, các cơ quan chức năng và những nhà hảo tâm đã tìm nhiều cách bù đắp phần nào nỗi đau  cho gia đình nạn nhân, như: lập sổ tiết kiệm, cấp học bổng cho con em… Nhiều gia đình có người gặp nạn đã làm ăn khấm khá; ngược lại, cũng không ít người nghèo vẫn hoàn nghèo do sử dụng tiền hỗ trợ không đúng mục đích.

Ở các ấp Mỹ Hưng 1, Mỹ Hưng 2, Mỹ Lợi, Mỹ Khánh của xã Mỹ Hòa, nhà cửa của gia đình nhiều nạn nhân đã được xây dựng khá khang trang.
img
Sau khi chồng mất, bà Nguyễn Kim Tuyến quyết lo cho con ăn học, có việc làm ổn định
Gia đình bà Nguyễn Kim Tuyến (49 tuổi, vợ nạn nhân Nguyễn Văn Hào) được Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ GTVT cấp một mái ấm Công đoàn. Bốn năm trôi qua, bà dồn nén đau thương trong lòng, quyết tâm dạy dỗ con cái thành người.
“Sau khi chồng tôi mất, cơ quan chức năng hỗ trợ nhiều khoản được hơn 200 triệu đồng. Tôi không dám tiêu xài, để dành lo cho con ăn học. Nhiều người thắc mắc sao tôi không đi bước nữa nhưng tôi quyết ở vậy thờ chồng, nuôi con”- bà Tuyến thổ lộ.
Hai con của bà Tuyến và ông Hào là Nguyễn Huệ Tâm và Nguyễn Tâm Em đã học xong phổ thông. Hiện nay, cả hai đang làm cho một công ty thủy sản tại TP Cần Thơ, thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống của 3 mẹ con.
“Lúc còn sống, anh Hào làm việc cật lực nuôi cả gia đình. Khi anh ấy mất, tôi thường khuyên nhủ tụi nhỏ phải biết tiết kiệm số tiền mà Nhà nước hỗ trợ cũng như quý trọng đồng tiền  ba đã làm ra… Bây giờ, mỗi lần nhìn cầu Cần Thơ là tôi lại nhớ đến người chồng quá cố đã góp công sức và cả tính mạng để xây dựng nên nó. Thế nhưng, nỗi đau trong lòng tôi không biết lúc nào mới nguôi ngoai” - bà Tuyến xúc động.
Cũng mất chồng như bà Tuyến nhưng bà Bùi Thị Nhanh (52 tuổi, ngụ ấp Mỹ Lợi, vợ nạn nhân Lê Văn Lai) còn phải chăm sóc thêm người con bị thương tật do vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ.
“Sau sự cố đó, tôi không chỉ mất chồng mà đứa con Lê Tuấn Đạt giờ còn bị thương tật suốt đời. Đạt không làm gì được, suốt ngày mình mẩy đau nhức, lại mắc chứng hay quên. Gia đình mới đưa Đạt đi khám bên Cần Thơ, bác sĩ bảo nó bị thêm bệnh tim. Cứ nửa tháng là Đạt phải đi điều trị, tốn 600.000 - 700.000 đồng” - bà Nhanh rầu rĩ.
img
Bà Bùi Thị Nhanh chăm sóc con trai mang thương tật sau vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ
Gia đình bà Nhanh được hỗ trợ 260 triệu đồng, dù phải lo trang trải nhiều việc trong nhà và chạy chữa cho anh Đạt nhưng đến nay vẫn còn 50 triệu đồng trong sổ tiết kiệm.
“Sau khi chồng con gặp nạn, tôi nuôi trâu, bò, trồng bưởi để kiếm thêm thu nhập. Mấy đứa lớn có vợ, có chồng ra riêng hết, chỉ còn Đạt và thằng út sống chung với tôi. Do vậy, tôi phải dè sẻn hết mức để bảo đảm cuộc sống”- bà Nhanh tâm sự.
Vì chồng, thương con mà bà Nhanh cố nén vết thương lòng để lo vun quén gia đình. Hằng ngày, thấy mẹ tất bật hết đi chăn trâu, bò đến chăm sóc vườn bưởi rồi lại lo cho mình, anh Đạt cứ ứa nước mắt. “Mẹ cực khổ như vậy mà mình không phụ giúp gì được, tôi thầm oán trách bản thân” - anh Đạt nghẹn ngào. 

Trắng tay, bỏ xứ mưu sinh

Bi kịch đối với không ít gia đình nạn nhân vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ là khi có số tiền hỗ trợ trong tay, họ chỉ biết ăn xài phung phí để rồi trắng tay.

Bà Nguyễn Thị Hường (60 tuổi, ngụ ấp Mỹ Hưng 1), mẹ của nạn nhân Nguyễn Văn Hoàng, hiện bị xuất huyết bao tử nằm tại một bệnh viện ở Cần Thơ mà không có tiền chạy chữa.
“Lúc Hoàng mất, bà Hường được hỗ trợ không ít tiền nhưng lại không biết dè sẻn, mấy đứa con cũng không có công ăn việc làm, cứ lấy tiền đó mà xài. Núi còn phải lở huống chi tiền!” - một hàng xóm của bà Hường cám cảnh.
Thấy tình cảnh đáng thương của bà Hường, bà con láng giềng đã gom góp mỗi người một ít để giúp bà thuốc thang nhưng cũng không đủ thiếu gì. Đến tiền đi xe ôm qua Cần Thơ để nằm viện, bà Hường cũng không có để trả.
Chúng tôi đến nhà bà Hường khi anh Nguyễn Văn Thành, con trai thứ 4 của bà, cùng đứa cháu đang ngồi trên chiếc giường tre cũ nát. Anh Thành nhớ lại: “Hồi Hoàng mất, gia đình tôi được hỗ trợ gần 500 triệu đồng. Tuy nhiên, vợ thằng Hoàng - đã ly dị - về đòi mẹ tôi chia phân nửa rồi”.
Ngoài sổ tiết kiệm 90 triệu đồng và sổ học bổng cho con anh Hoàng 25 triệu đồng, số tiền còn lại bà Hường cùng mấy người con chi tiêu quá trớn, lại phải trả nợ vay lúc trước.
“Trước đây ba tôi bệnh, mẹ có rút trong sổ tiết kiệm 30 triệu đồng. Hiện sổ tiết kiệm mẹ cũng đã đem đi cầm rồi viết giấy ủy quyền luôn cho người ta. Khi đã xài hết tiền hỗ trợ, mẹ tôi lại tiếp tục đi vay bên ngoài nên nợ nần cứ chồng chất”- anh Thành ngao ngán.
Ông Dương Công To, một người dân địa phương, bức xúc: “Nhiều gia đình nạn nhân khi có tiền hỗ trợ thì không lo làm ăn mà lại mua sắm quần áo, điện thoại di động… Thêm nữa, thấy một số phụ nữ vừa mất chồng lại có tiền nên nhiều tay đàn ông tìm cách “nhào” vô. Nhiều chị em đã đi thêm bước nữa giờ cũng sống rất khó khăn”.
Ông Nguyễn Ngọc Hứng, trưởng ấp Mỹ Hưng 2,  lắc đầu: “Ở ấp tôi có chị Trần Thị Hồng Nhung, vợ nạn nhân Huỳnh Văn Thanh, nhận được tiền hỗ trợ gần 800 triệu đồng. Vậy mà chị ta cứ mê chơi hụi, số đề… nên hết tiền và phải bỏ xứ đi nơi khác làm ăn”.
Nhiều người dân Mỹ Hòa cho rằng nếu địa phương quan tâm hơn đến gia đình các nạn nhân, như tạo công ăn việc làm, họ sẽ không vướng vào các tệ nạn xã hội.
Theo ông Trương Văn Lợt, chính quyền và nhiều ban, ngành chức năng Mỹ Hòa thường xuyên động viên, nhắc nhở gia đình các nạn nhân làm ăn, sử dụng đúng mục đích tiền hỗ trợ. “Tuy nhiên, tiền là của họ, họ muốn xài sao thì chúng tôi không thể can thiệp được”- ông Lợt nói.

 

Khang trang, sầm uất

Điều dễ nhận thấy nhất sau 4 năm trở lại Mỹ Hòa là giao thông rất thuận lợi. Những con đường lầy lội ngày nào giờ được tráng nhựa, lát đan khang trang. Con đường vào ấp Mỹ Hưng 1 và Mỹ Hưng 2 tấp nập xe máy. Nhiều hàng quán cũng nhờ con đường này mà mọc lên ngày càng sầm uất.
Chị Lê Thị Mười, ngụ ấp Mỹ Hưng 1, hồ hởi: “Cách đây 3 năm, 2 ấp này sình lầy dữ lắm, nhất là vào mùa mưa, còn mùa lũ thì ngập cả đường đi, đi lại hết sức khó khăn. Năm 2009, đường được tráng nhựa, lát đan, bà con rất phấn khởi”.
img
Đường vào ấp Mỹ Hưng 1 và Mỹ Hưng 2 đã hết cảnh sình lầy 
Toàn tuyến đường qua ấp Mỹ Hưng 1 và Mỹ Hưng 2 dài khoảng 3 km, được xây dựng sau khi sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ. Bên cạnh đó, khi KCN Bình Minh thành lập, đường vào các ấp ở Mỹ Hòa cũng được mở. Nhờ vậy, Trường Mẫu giáo Khai Trí nằm phía sau bia tưởng niệm các nạn nhân ngày càng có nhiều trẻ đến học.
Ông Trương Văn Lợt cho biết sau sự cố cầu Cần Thơ đến nay, nhiều công trình phúc lợi cho Mỹ Hòa đã được xây dựng: 20 km đường lát đan, 17 km đường nhựa cho xe 4 bánh, nhà văn hóa, trường mẫu giáo… với tổng kinh phí hơn 11 tỉ đồng.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo