Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang được xây dựng Ảnh: Tấn Thạnh
Xây trước đoạn Bến Thành - Tham Lương
Theo Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP HCM, quá trình thu xếp vốn cho tuyến metro số 2 rất khó khăn và phức tạp. Vì vậy, sau 6 năm kêu gọi đầu tư, khi được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) đồng ý cho vay, UBND TP HCM đã yêu cầu các địa phương nhanh chóng bàn giao mặt bằng để thi công dự án.
Do không đủ vốn đầu tư nên tuyến metro số 2 được chia thành 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1, đoạn Bến Thành - Tham Lương dài 11,322 km được xây dựng trước. Trong đó, đoạn đi ngầm dài 9,315 km, đoạn chuyển tiếp 0,232 km, đoạn đi trên cao 0,778 km và một đường nhánh dài 0,997 km dẫn vào depot Tham Lương (quận 12, diện tích 26,6 ha). Tổng vốn dành cho giai đoạn này là 1.374,5 triệu USD (tương đương 26.100 tỉ đồng) từ nguồn hợp vốn của ADB (540 triệu USD), KfW (313 triệu USD), EIB (195 triệu USD) và vốn đối ứng của TP HCM là 326,5 triệu USD.
Trong giai đoạn 2, 2 đầu tuyến sẽ được kéo dài ra. Theo đó, ở đầu ga Bến Thành, tuyến đi dưới lòng sông Sài Gòn sẽ qua khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Ở phía Tham Lương, tuyến sẽ được kéo dài đến Bến xe An Sương và nối lên khu đô thị Tây Bắc Củ Chi.
Tuyến metro số 2 sử dụng đoàn tàu tự hành chạy bằng điện năng được cung cấp từ lưới điện TP, tốc độ tối đa 80 km/giờ. Thời gian đầu, đoàn tàu có 3 toa xe với sức chứa hơn 800 hành khách sẽ được sử dụng, dự kiến đến năm 2025 sẽ đưa đoàn tàu 6 toa có thể chở hơn 1.600 hành khách vào vận hành. Dự kiến, tàu dừng tại mỗi ga 25-30 giây, cứ 5-10 phút có 1 chuyến (sau này có thể rút ngắn khoảng 2 phút/chuyến).
Tư vấn thiết kế dự án là liên danh Metro Team Line 2 hiện đã cơ bản hoàn thành thiết kế nền tảng toàn bộ nhà ga và phần tuyến ngầm, depot. Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP HCM đang lập hồ sơ mời thầu các gói thầu xây dựng thuộc dự án. Dự kiến nhà thầu bắt đầu xây dựng từ năm 2014 và đưa vào vận hành thử vào năm 2018, cùng lúc với tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Tăng 27% diện tích đất giải tỏa
Sau khi triển khai nghiên cứu thiết kế nền tảng tuyến metro số 2, tư vấn thực hiện dự án (IC) nhận thấy diện tích giải phóng mặt bằng không đủ bố trí các hạng mục công trình. Vì vậy, cần phải điều chỉnh ranh GPMB tại vị trí các nhà ga dự án.
Sau khi tính toán lại, tổng số hộ dân, tổ chức tại các quận mà dự án đi qua (gồm 1, 3, 10, 12, Tân Phú, Tân Bình) bị ảnh hưởng được xác định là 541 căn nhà. Trong đó, 296 trường hợp bị giải tỏa một phần và 245 giải tỏa trắng, tổng diện tích là 42.672 m2. Địa phương bị giải tỏa nhiều nhất là quận Tân Bình với 301 căn nhà (24.140 m2), tiếp theo lần lượt là quận 3: 104 căn, quận 10: 85 căn, quận 1: 35 căn, quận Tân Phú: 10 căn và quận 12: 6 căn.
8 tuyến metro cho TP HCM Theo điều chỉnh quy hoạch hệ thống metro của Thủ tướng Chính phủ, ngoài 7 tuyến metro đã được phê duyệt trước đó (với tổng chiều dài khoảng 135 km) và 3 tuyến xe điện mặt đất, TP HCM được quy hoạch thêm tuyến metro số 4B Công viên Gia Định - Lăng Cha Cả để kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất. Cũng trong lần điều chỉnh này, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên được kéo dài lên tỉnh Bình Dương và TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. |
Bình luận (0)