Xây dựng các điểm trung chuyển rác rất cần thiết trong hoạt động thu gom, xử lý chất thải để bảo đảm môi trường. Song một thực tế đang diễn ra ở TPHCM là các điểm trung chuyển vừa thiếu lại vừa yếu, vì thế người dân vẫn phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm.
Khó chen vào “đất vàng”
Không có điểm trung chuyển rác, xe rác của lực lượng rác dân lập và các công ty dịch vụ công ích phải tập trung trên các tuyến đường, gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường đang là tình trạng chung của các quận nội thành TPHCM.
Ông Trần Văn Đông, Trưởng Phòng Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) quận 3, cho biết đã trình lãnh đạo quận một dự án xây dựng trạm trung chuyển trên đường Trường Sa (phường 11) với diện tích khoảng 1.000 m2. Tuy nhiên, dự án này đã bị “phá sản” vì lãnh đạo quận cho rằng diện tích nhỏ và quá gần khu dân cư.
Bô rác tại khu phố 1, phường Linh Trung, quận Thủ Đức-TPHCM
không ngừng “tra tấn” người dân. Ảnh: THU SƯƠNG
Không chỉ lo về mặt bằng, quận 5 còn “rối” với công nghệ sử dụng tại các trạm trung chuyển. Bà Nguyễn Thị Phấn, Trưởng Phòng TN-MT quận 5, cho biết trước kia, quận có khá nhiều điểm trung chuyển rác nhưng từ khi giải phóng mặt bằng dự án đường Võ Văn Kiệt nên đã mất đi một số điểm, hiện chỉ còn điểm tại số 22 Hàm Tử và 417 Trần Phú (đều là bô rác hở) nhưng cũng hoạt động cầm chừng vì vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân.
Hai điểm này gần như chỉ là nơi tập kết xe, còn lại quận 5 áp dụng hình thức lấy rác nhanh dọc tuyến. Hiện quận 5 không có mặt bằng để di dời các điểm trung chuyển rác ra khỏi khu dân cư hay mở thêm các điểm trung chuyển rác mà chỉ có thể nâng cấp hai điểm trung chuyển rác đã có sẵn.
“Công ty công ích quận vừa lấy ý kiến về dự án nâng cấp trạm trung chuyển số 417 Trần Phú thành trạm khép kín nhưng vẫn chưa thuyết phục vì không biết công nghệ sử dụng tại trạm có đạt hay không. Vấn đề này phải chờ hướng dẫn của Sở TN-MT. Bên cạnh đó, quận cũng lưu ý đến yếu tố đồng bộ vệ sinh, sạch sẽ giữa trạm trung chuyển và các phương tiện thu gom, vận chuyển thì mới phát huy hiệu quả của trạm trung chuyển”- bà Phấn nhấn mạnh.
Không hợp thời!
Nếu các quận nội thành phải đối mặt với cảnh “rác bay, nước chảy” tràn lan các tuyến đường do không có trạm trung chuyển thì người dân vùng ven và ngoại thành phải sống chung với ô nhiễm từ các… bô rác.
Quận Thủ Đức là một trong những địa phương người dân “kêu” nhiều vì bô rác nằm trong khu dân cư. Thậm chí, bô rác trên đường Lê Văn Chí (phường Linh Trung) chỉ cách Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức hơn 50 m.
Hiện trạng tấc đất tấc vàng, đâu đâu cũng được phủ kín dân cư như quận 3 thì việc tìm được khu đất phù hợp để làm trạm trung chuyển thật nan giải. Đến nay, “đỏ mắt” mà chúng tôi cũng chưa tìm ra khu đất nào khác đáp ứng yêu cầu.
Ông Trần Văn Đông (Trưởng Phòng Tài nguyên-Môi trường quận 3 - TPHCM) |
Ông Lê Ngọc Trình, Trưởng Ban Điều hành khu phố 1, cho biết điểm trung chuyển này đã có cách đây hơn 10 năm, vốn chỉ để tập kết rác của khu phố nhưng sau đó rác từ các phường khác, thậm chí có cả xe rác từ các quận khác đổ về.
Trong khi sức chứa bô rác này nhỏ và xây dựng tạm bợ nên rác thải thường xuyên tràn cả ra đường Lê Văn Chí, mùi hôi thối và nước rỉ rác không ngừng “tra tấn” người dân.
Bà Trần Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, thừa nhận các điểm trung chuyển rác trên địa bàn đã không còn “hợp thời” vì toàn là bô rác hở lại nằm trong khu dân cư.
Về số phận của bô rác trên đường Lê Văn Chí, bà Hạnh cho biết sẽ di dời nhưng đến khi tìm được điểm di dời thì vẫn phải duy trì để có điểm đổ rác cho phường. Tương tự, bô rác trên đường Kha Vạn Cân (phường Linh Đông) nằm trong dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài nên đã có kế hoạch giải tỏa.
Tuy nhiên, từ nay đến khi giải tỏa được 2 bô rác trên, người dân vẫn phải tiếp tục sống chung với ô nhiễm. “Trước mắt, quận đã yêu cầu công ty dịch vụ công ích phải quản lý các bô rác và lực lượng rác dân lập, sắp xếp cho thật gọn, không để tình trạng rác tràn ra đường hay lấy rác nhanh không để ùn ứ quá lâu”- bà Hạnh nói.
Ngoài ra, Thủ Đức đã kiến nghị với TP thành lập 5 điểm trung chuyển rác khép kín, đầu tư công nghệ hiện đại không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, quá trình khảo sát chỉ có một điểm tại khu phố 2, phường Tam Phú là đủ chuẩn, hiện đang chờ kinh phí TP rót xuống để xây dựng. Các điểm còn lại diện tích quá nhỏ, thậm chí không đủ để quay đầu xe.
Ngoài ra, theo khảo sát của chúng tôi, không chỉ các bô rác hở mà chính các bô rác khép kín tại quận Bình Thạnh, Gò Vấp… cũng đang “tra tấn” người dân vì ô nhiễm mùi hôi và rác thải rơi vãi, nước rỉ rác không được thu gom tốt.
Cần 50 điểm trung chuyển
Theo thống kê của Sở TN-MT, TPHCM hiện có 16 điểm trung chuyển rác có đầu tư xây dựng và trang bị cơ sở vật chất: máy ép rác kín, thiết bị khử mùi… Trong đó, có một số điểm trong quá trình hoạt động không bảo đảm môi trường vì công nghệ chưa được đầu tư đầy đủ hoặc do lượng rác quá tải so với thiết kế nên khi có tiền sẽ nâng cấp thêm. Ngoài ra, còn có khoảng 30-50 điểm trung chuyển xây dựng tạm bợ (không đầu tư thiết bị hoặc chỉ xây tường bao…) và hơn 300 điểm hẹn lấy rác dọc các tuyến đường.
Qua rà soát nhu cầu cũng như kiến nghị từ các địa phương, sở đang triển khai một dự án đầu tư xây dựng mạng lưới các trạm trung chuyển rác ép kín. Theo đó, trong giai đoạn 2011-2025, cần từ 40-50 trạm trung chuyển được đầu tư đầy đủ về công nghệ bảo đảm môi trường, kinh phí dự kiến từ 30-50 tỉ đồng/trạm, tùy quy mô và công suất, do ngân sách TP cấp. Tuy nhiên, hiện dự án này chỉ triển khai cầm chừng do thiếu vốn, mặt bằng và người dân phản đối.
|
Bình luận (0)