Muốn đạt được hiệu quả về môi trường, vận chuyển rác thải đô thị cần tuân theo một quy trình khép kín về công nghệ, trong đó tất cả các khâu phải đồng bộ về kỹ thuật, cơ sở vật chất. Nhưng tại TPHCM, công tác xử lý rác thải đang gặp nhiều khó khăn khi thiếu khâu trung gian giúp làm giảm thể tích rác là các trạm trung chuyển.
Thiếu hơn 2/3 nhu cầu
Chỉ trong vòng 1 năm, chất thải đô thị tại TPHCM từ 5.800 tấn/ngày vào năm 2007 đã tăng lên 6.500 tấn/ngày vào tháng 6-2008. Với tốc độ phát triển đô thị như hiện nay, dự báo rác sinh hoạt sẽ còn tăng cao hơn, thậm chí ngày lễ, Tết có thể vượt xa con số này. Đáng lo ngại là rác tăng nhưng cơ sở vật chất để xử lý không tăng.
Trạm trung chuyển là khâu cần thiết trong việc bảo đảm vệ sinh đô thị khi vận chuyển, xử lý rác vì xe thu gom rác nhỏ (xe lam, xe ba gác, xe đẩy tay...) không thể đưa rác từ hộ gia đình đến nơi xử lý, còn các xe tải lại không thể gom rác trực tiếp từ hộ gia đình. Tại trạm trung chuyển, rác được làm giảm thể tích bằng phương pháp ép, nén hoặc các công nghệ khác trước khi vận chuyển đến công trường xử lý. Công tác này vừa giảm chi phí vận chuyển vừa tiết kiệm thời gian, giảm tải cho việc xử lý rác ở các công trường. Nhưng qua khảo sát sơ bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, hiện TP rất thiếu trạm trung chuyển vệ sinh. Mỗi quận, huyện cần 3-4 trạm nhưng cả TP chỉ có 17 trạm, thiếu hơn 2/3 nhu cầu.
Ảnh hưởng đến môi trường sống
Thiếu trạm trung chuyển để giải quyết lượng rác thải hằng ngày, TP tiếp tục tồn tại các bô rác hở, các điểm hẹn tập kết rác trên đường phố hoặc tại các khu đất trống. Hiện, TP tồn tại khoảng 26- 30 bô rác hở và hơn 400 điểm lấy rác. Chỉ cần đi qua những bô rác hở và các điểm tập kết rác, người dân đã phải hứng chịu những mùi hôi nồng nặc, khó chịu. Không những thế, ở đó, rác không được xử lý đúng kỹ thuật nên các điểm này thường ứ đọng nước rỉ rác rất mất vệ sinh, mỹ quan đô thị, đồng thời gây cản trở giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống.
Tuy nhiên, tìm một nơi xây dựng trạm trung chuyển vào thời điểm này là rất khó do quỹ đất không còn hoặc rất ít, ngoài ra còn gặp phải sự phản ứng của người dân khi chọn vị trí xây dựng.
Thí điểm trạm trung chuyển vệ sinh
Sở dĩ người dân không mấy thiện cảm về trạm trung chuyển vì các trạm trung chuyển trước đây xây dựng chưa đúng kỹ thuật, không xử lý triệt để mùi hôi nước rỉ rác, ảnh hưởng đến dân cư xung quanh. Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã tìm cách khắc phục nhược điểm của trạm trung chuyển cũ, đưa ra các quy định khắt khe để xây dựng trạm vệ sinh.
Hiện nay, TP đang lập dự án xây dựng thí điểm trạm trung chuyển vệ sinh ở 4 quận, huyện là quận 6, Bình Tân, Tân Bình và Bình Chánh. Các trạm trung chuyển vệ sinh này ngoài việc giải quyết khối lượng lớn chất thải rắn còn phải phù hợp với sự phát triển đô thị, bảo đảm các yếu tố môi trường, không ảnh hưởng đến dân cư...
Các tiêu chuẩn bắt buộc - Vị trí xây dựng trạm trung chuyển rác phải thuận tiện, không gây ùn tắc giao thông; thiết kế bảo đảm mặt mỹ quan, có cây xanh cách ly với các khu vực dân cư. - Tập trung từ 60 - 200 tấn rác/ngày đối với nội thành. - Áp dụng công nghệ tiên tiến để ép chất thải. - Hoạt động không gây tiếng ồn, phát tán mùi hôi, bụi... - Có giải pháp xử lý nước thải, bụi, mùi, tiếng ồn, đạt tiêu chuẩn môi trường. |
Bình luận (0)