Anh Doanh là công nhân thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9 (Quảng Trị) 5 năm nay. Vào khoảng 17 giờ chiều 9-5, anh đang trên đường trở về lán trại (thuộc tiểu khu 605Đ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) sau khi hoàn thành công việc thì bất ngờ gặp đàn trâu hoang hung dữ chặn ngay trước mặt. Hoảng sợ, anh Doanh vứt xe máy vội bỏ chạy vào vườn cây tràm để tìm nơi ẩn nấp.
“Tôi vừa quay lưng chạy thì có 4 con trâu rượt theo. Tôi chạy đến một cây tràm lớn, định leo lên cây để trốn nhưng không kịp, một con trâu đã dùng sừng húc mạnh vào sườn, hất văng tôi vào bụi cây rồi bỏ đi. Nó mà húc tiếp thì chắc tôi chết mất rồi”, anh Doanh kể lại.
Anh Phan Doanh vẫn còn bàng hoàng khi nhắc đến việc suýt mất mạng vì bị trâu húc thủng phổi, vỡ gan.
Nạn nhân sau đó được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị trong tình trạng vết thương thấu ngực bụng, thủng cơ hoành, thủng phổi, vỡ nhu mô gan phân thủy sau (phải). Với việc cắt bỏ 1/3 lá gan bị dập, ngất xỉu 10 ngày, hiện nay, sức khỏe anh còn rất yếu, ăn uống khó khăn, thường bị đau nhức. “Mọi người cứ nghĩ tôi sẽ chết nên đã chuẩn bị hậu sự. May trời còn thương, nằm viện hơn 1 tháng thì ra viện”, anh Doanh nói.
Anh Doanh cho biết đàn trâu hoang con nào cũng to lớn, hung dữ. Bản thân anh đã từng bị đàn trâu này rượt đuổi. Năm 2015 đàn trâu này cũng đã tấn công một người đánh cá trên sông làm người này suýt mất mạng. Ngày 17.5, đàn trâu hoang lại tiếp tục tấn công anh Lê Văn Tiến và anh Nguyễn Văn Quy (trú xã Cam Tuyền, Cam Lộ) nhưng nhờ hai anh này trèo lên cây trốn kịp thời nên thoát nạn.
Người dân chỉ nơi trâu đến tấn công
Sau sự việc xảy ra, ngày 16.5, ông Nguyễn Hồng Thái – Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9 đã có văn bản gửi UBND các huyện Cam Lộ, Gio Linh thông báo việc xuất hiện đàn trâu hoang hung dữ trên địa bàn rừng trồng của công ty tại tiểu khu 605Đ, 607 thuộc địa bàn xã Cam Tuyền huyện Cam Lộ và xã Hải Thái huyện Gio Linh; đồng thời xin cơ quan chức năng có biện pháp xử lý nhằm ổn định an ninh trật tự, bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân. Tuy nhiên, văn bản vòng vèo qua các cấp, “trâu điên” vẫn nhởn nhơ hung hãn, chính quyền vẫn chưa đưa ra được phương án nào khả thi.
Ông Nguyễn Hồng Thái cho hay, không chỉ công nhân của công ty mà người dân đi vào rừng nhiều lần cũng bị đàn trâu này tấn công. “Đàn trâu chặn đường lại, gặp ai cũng rượt đuổi, tấn công. Chúng tôi lo lắng cho tính mạng của công nhân và người dân”. Xã Cam Tuyền có văn bản xin ý kiến UBND huyện Cam Lộ, huyện chuyển văn bản xin ý kiến tỉnh, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm kiểm tra. Chi cục Kiểm lâm cùng nhiều ban bệ sau khi họp bàn, lấy lý do đàn trâu này là trâu nhà, ở rừng lâu ngày thành trâu hoang, không phải trâu rừng (?) nên kết luận không phải trách nhiệm của mình và trình UBND tỉnh đề nghị chỉ đạo UBND huyện Cam Lộ xử lý theo thẩm quyền. Mặc dù vậy, kiểm lâm cũng không thể xác định bầy trâu hoang là của ai, thả ra vào khi nào.
Theo thống kê của PV Dân Việt, đã có ít nhất 8 văn bản được ban hành liên quan đến đàn trâu hoang này, nhưng đến nay đàn trâu vẫn chưa được xử lý.
Ông Hoàng Liên Sơn – Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền cho rằng, có 3 phương án xử lý đàn trâu hoang. Một là xua đuổi, nhưng phương án này không ổn vì xua đuổi chỗ này đàn trâu lại đi nơi khác tấn công người. Phương án bắn thuốc mê có vẻ khả thi nhưng chi phí khá cao, mỗi liều thuốc mê có giá trên 3 triệu đồng, còn phát sinh chi phí khác. Phương án thứ 3 là bắn chết đàn trâu bằng súng quân dụng, nhưng có vẻ phương án này cũng không ổn vì khi nghe súng nổ đàn trâu sẽ bỏ chạy nơi khác hoặc hung dữ hơn, tấn công người dân.
Bình luận (0)