Ngày 18-11, ông Trần Văn Cừu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, cho biết theo dự kiến, ngày mai, 20-11, UBND TPHCM sẽ chủ trì cuộc họp với đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các bộ, ngành liên quan để trao đổi, đi tới thống nhất quanh việc nạo vét, khơi thông dòng chảy, tận thu cát sỏi trên sông Đồng Nai.
Địa phương “phản đối đến cùng”
Trước đó, UBND quận 9 đã có văn bản báo cáo, xin chỉ đạo của UBND TP HCM về việc Công ty CP Hàng hải và Đầu tư phát triển Hiệp Phước (Công ty Hiệp Phước) tái triển khai dự án nạo vét sông Đồng Nai.
Theo lãnh đạo UBND phường Long Bình, khi lực lượng chức năng của phường đến hiện trường và yêu cầu dừng khai thác thì Công ty Hiệp Phước chuyển phương tiện về phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai để hoạt động.
Có mặt tại khu vực dự án của Công ty Hiệp Phước, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận phương tiện và hoạt động “nạo vét, duy tu luồng thủy nội địa sông Đồng Nai” khá đơn giản, chỉ với một hệ thống gàu múc liên tục múc bùn cát đưa lên sà lan bên cạnh.
Việc tái nạo vét của Công ty Hiệp Phước đã khiến chính quyền và người dân quận 9 rất lo lắng. Ông Mai Xuân Sang, Phó Chủ tịch UBND phường Long Phước - 1 trong 3 phường của TP HCM nằm trong phạm vi dự án- cho biết người dân tỏ ra rất bức xúc bởi việc nạo vét không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản mà nghiêm trọng hơn là làm sạt lở đất ven sông, gây nguy hiểm tính mạng người dân. Ông Sang khẳng định phường Long Phước sẽ phản đối đến cùng dự án này.
Được sự cho phép của Bộ GTVT, dự án sẽ triển khai trong 10 năm với khối lượng nạo vét lên đến 10 triệu m3. Mục đích của việc nạo vét nhằm đạt độ sâu tuyến sông Đồng Nai từ âm 10 xuống âm 12 m. Tuy nhiên, theo một đơn vị tư vấn độc lập do Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM thuê đo, độ sâu sông Đồng Nai trong phạm vi dự án nhiều nơi đã âm 22 m. Không hiểu trước khi cấp phép cho Công ty Hiệp Phước, Bộ GTVT có tới thực địa kiểm tra luồng tuyến sông Đồng Nai?
2-3 doanh nghiệp cùng nạo vét
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Văn Cừu khẳng định quan điểm của Cục Đường thủy nội địa vẫn là ủng hộ doanh nghiệp (DN) góp tay thực hiện việc nạo vét, khơi thông dòng chảy theo mô hình xã hội hóa.
Tại sao việc nạo vét, khai thác tận thu khoáng sản trên sông Đồng Nai bị các địa phương liên quan phản đối nhưng Bộ GTVT lại ủng hộ? Ông Cừu giải thích: “Do yêu cầu luồng lạch phải khơi thông thì chúng tôi cho phép nạo vét, tận thu thôi. Bình thường luồng lạch như thế, chúng tôi phải bỏ tiền ra nạo vét. Có DN đăng ký xin nạo vét, mở luồng lạch và xin phép được tận thu cát để bù lại, trong khi nhà nước không phải bỏ tiền ra làm thì phải ủng hộ chứ! Không mất tiền mà lại được luồng lạch thông suốt nên bộ và cục ủng hộ. Chúng tôi chỉ phê duyệt về chủ trương và luồng lạch; còn cát tận thu, sử dụng thế nào thì DN phải xin phép cơ quan môi trường địa phương”.
Báo Người Lao Động từng phản ánh DN tận thu thái quá và không bảo đảm quy trình, gây sạt lở 2 bên bờ và ô nhiễm môi trường sông Đồng Nai. Tuy nhiên, theo ông Cừu, xói lở liên quan tới nhiều chuyện chứ không chỉ do khai thác cát.
“Chúng tôi cho phép xuất phát từ những tính toán khoa học về chuẩn tắc luồng lạch sao cho tàu bè có thể đi lại hợp lý. Còn DN muốn khai thác cát phải có giấy phép, có chứng nhận về việc không gây ảnh hưởng tới bờ và gây ô nhiễm” - ông Cừu nói.
Đồng Nai: Chấp thuận nhưng vẫn băn khoăn Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai, cho biết đối với việc tiếp tục nạo vét sông Đồng Nai, dù tỉnh đã chấp thuận chủ trương chung nhưng có một số biện pháp theo dõi, giám sát để DN thực hiện đúng theo quy định, tránh tình trạng tận thu cát, gây sạt lở bờ sông.
Đồng Nai đã yêu cầu các DN trước khi nạo vét phải đo đáy sông, cắm cọc tiêu, thực hiện đúng luồng, đúng vị trí và khai thác đúng số lượng cát. Việc nạo vét của DN sẽ được giám sát để theo đúng cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. DN nào bị phát hiện vi phạm sẽ buộc phải tạm ngưng.
“Địa phương hiện cũng còn nhiều băn khoăn vì vẫn chỉ phối hợp theo dõi, giám sát chung, trong khi ở trên thì chưa có quy định, chế tài cụ thể theo từng mức độ vi phạm nên cũng khó…” - ông Thường nói.
X.Hoàng
|
Bình luận (0)