Tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) đang ngày càng nghiêm trọng. Dù biết cách chống sạt lở kiểu “chạy theo” như hiện nay vừa tốn tiền lại không hiệu quả nhưng chính quyền TP Hội An chẳng biết làm gì hơn bởi muốn làm cho căn cơ thì không có tiền.
Sau vài ngày mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, Cửa Đại chẳng khác nào một bãi chiến trường. Không còn những dải cát trắng mà thay vào đó là những bao cát, cống bê tông, cọc tre cũ mới xen lẫn nhau, cây cối ngã đổ bật gốc nằm ngổn ngang. Hàng quán ven biển trước đây tấp nập khách thì nay hoang vắng.
Chứng kiến nước biển ngoạm sâu vào sát nền nhà hàng Ma Ma Lỳ ở bờ biển Cửa Đại, bà Phạm Thị Lỳ, chủ nhà hàng, cho rằng nhà hàng này may mắn vì chưa bị sóng biển xóa sổ. Thế nhưng, tình trạng sạt lở không chỉ khiến nhà hàng của bà mà nhiều nhà hàng khác vắng khách. Sáng mở quán, chiều đóng cửa nhưng may lắm mới có 1-2 khách. “Năm ngoái, nhà hàng của tôi còn cách bờ biển gần trăm mét nhưng giờ, nếu lỡ chân là rơi ngay xuống biển” - bà Lỳ lo lắng.
Từ năm 2009 đến nay, khi tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại diễn ra, chính quyền địa phương bắt đầu chạy theo con nước. Các khu resort, nhà hàng ven biển cũng đua nhau xây kè để tự cứu mình. Mạnh ai nấy xây, sạt đâu làm kè ở đó. Tuy những khu resort được cứu nhưng lại khiến tình trạng sạt lở lan dần. Cứ sau mỗi đợt mưa bão, bờ biển Cửa Đại lại bị sóng biển xé toang và chính quyền địa phương lại huy động lực lượng, máy móc đắp kè. Đến nay, vùng sạt lở đã dài đến vài km.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại bắt đầu nghiêm trọng từ năm 2009. Năm 2011-2012, Hội An bắt đầu xây kè cứng bằng bê tông để gia cố bờ biển, sau đó là kè mềm bằng bao địa mua từ Hà Lan. Ông Dũng nhẩm tính từ năm 2011 đến nay, ngân sách tỉnh, trung ương và TP đổ vào việc xây kè chống sạt lở ở bờ biển Cửa Đại đã hơn 82 tỉ đồng. Sắp tới, TP Hội An sẽ chi 25 tỉ đồng tiếp tục xây dựng kè mềm đối với 650 m bờ biển đang sạt lở theo nguồn vốn trung ương vừa cấp. TP cũng đang dự tính xin chuyển 80 tỉ đồng đã được phê duyệt xây kè ở phía nam Cửa Đại qua nạo vét luồng lạch để lấy cát bơm vào khu vực sạt lở.
Dù bỏ ra số tiền không hề nhỏ nhưng ông Dũng thừa nhận việc chống sạt lở ở Cửa Đại không hiệu quả. Trong đợt mưa lớn vừa qua, Cửa Đại bị xâm thực nghiêm trọng. Theo thống kê ban đầu, hơn 400 m bờ biển đã bị sóng ngoạm sâu trên 10 m khiến nhiều nhà hàng, khu nghỉ dưỡng đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Một đoạn bờ biển đã được kè bằng bao địa Hà Lan khá kiên cố cũng bị sóng đánh tan hoang. Ông Dũng cho biết chưa bao giờ chứng kiến những cơn sóng ngầm hung tợn như vậy và có vẻ như biển đang muốn mở cửa thông với sông như đã từng xảy ra vào năm 1999.
“Chúng tôi chỉ biết huy động lực lượng gia cố tạm thời bằng cách mua vải địa lót rồi đổ cát vào bao chèn lên để tránh sóng cuốn cát ra ngoài. Không làm thì không được vì nó sạt lở. Có tốn tiền đến mấy cũng phải làm nhưng xác định đây là làm cấp bách để giữ đất đai, tài sản, nhà cửa, đường giao thông, còn lâu dài phải chờ tỉnh, trung ương” - ông Dũng trăn trở.
Theo ông Dũng, qua nhiều buổi hội thảo, giải pháp tổng quát để chống sạt lở ở bờ biển Cửa Đại đã được chọn và đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì triển khai. Dù thế, các chuyên gia nước ngoài cho biết để triển khai giải pháp này phải mất chừng 1.200 tỉ đồng trong khi chưa có nguồn.
“Phải nhanh chóng triển khai giải pháp căn cơ chứ cứ làm kiểu “con nhà nghèo”, hư đâu sửa đó thì cứ “nghèo” hoài. Năm nào TP cũng xin kinh phí bỏ vào mấy chục tỉ đồng nhưng không hiệu quả, chỗ nào kè cứng thì còn, chỗ nào không kè thì sóng đánh sạt” - ông Dũng lo ngại.
Tiếp tục làm kè nhưng điều chỉnh
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết chiều 21-10, đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi và Cục Phòng chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến hiện trường khảo sát và có buổi làm việc với lãnh đạo TP Hội An. Theo ông Hùng, trước tình trạng sóng đánh sạt lở những khu vực đã được kè bằng bao địa Hà Lan, đoàn công tác đã góp ý về mặt kỹ thuật để triển khai hiệu quả hơn. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm kè như đã thiết kế nhưng có sự điều chỉnh, sẽ khảo sát, đo đạc lại” - ông Hùng cho biết.
Bình luận (0)