Đó là đề xuất của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội tại buổi công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II/2016 ngày 14-7.
Tránh tâm lý nôn nóng
TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR, Trưởng Nhóm nghiên cứu Báo cáo Kinh tế vĩ mô - nhận định tăng trưởng GDP quý II chỉ đạt 5,52% và mục tiêu tăng trưởng 6,7% như Quốc hội đề ra là không thể đạt được. Theo dự báo của VEPR, tăng trưởng kinh tế năm 2016 chỉ đạt mức 6% hoặc thấp hơn.
Vì vậy, nhà điều hành cần tránh tâm lý nôn nóng đạt mục tiêu tăng trưởng cao khi bắt đầu một nhiệm kỳ Chính phủ mới, dẫn tới buông lỏng ổn định vĩ mô. Nếu bất ổn tái diễn, cái giá phải trả sẽ đắt hơn nhiều.
Nguyên nhân khiến VEPR đưa ra cảnh báo trên là do khả năng lạm phát tăng trở lại trong nửa cuối năm là không thể tránh khỏi khi giá hàng hóa cơ bản trên thế giới hồi phục kết hợp với những điều chỉnh giá trong nước. Trong khi đó, cung tiền đang có xu hướng được điều chỉnh tăng cao với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 18%-20% trong năm 2016. Bên cạnh đó, Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ (về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020) chưa đủ chi tiết, khi triển khai sâu hơn trên thực tế cần có thời gian và sự phối hợp của các bộ, ngành. Một mối lo ngại khác là cơ cấu thu ngân sách nhà nước đang dần dịch chuyển do một số nguồn thu suy giảm…
Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng mặc dù không công bố nhưng chính sách vĩ mô đang quay lại các giải pháp kích cầu, thể hiện ở việc tăng quy mô tín dụng, tăng giải ngân đầu tư. Theo TS Vũ Đình Ánh, muốn đạt mức tăng trưởng 6,7% như mục tiêu đề ra, 6 tháng cuối năm phải đạt mức 7,6% nhưng rất khó. Nếu tiếp tục theo đuổi mục tiêu, không còn cách nào khác phải quay lại chính sách kích cầu thông qua tăng đầu tư để có tăng trưởng. Sáu tháng đầu năm 2016, tổng vốn đầu tư bằng 32,9% GDP.
Thận trọng huy động vàng
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ lo ngại khi nhận thấy đang có xu hướng GDP giảm thì lại bơm vốn để cố gắng đạt mục tiêu tăng trưởng chứ không tập trung vào chất lượng.
“Gần đây, người ta lại đặt vấn đề huy động vàng. Tôi không đồng ý. Quan điểm của tôi là chỉ huy động vàng trong dân thông qua cách tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt để người dân bán vàng lấy tiền trực tiếp đầu tư, không phải thông qua nhà nước” - TS Lưu Bích Hồ bày tỏ.
Đây cũng là vấn đề được VEPR lưu ý. TS Nguyễn Đức Thành cho rằng bản chất của huy động vàng là đi ngược lại với nguyên tắc kinh tế. Vàng được giữ trong dân mang bản chất như mọi tài sản khác và chỉ ưu việt hơn ở việc cất giữ, bảo quản. Nếu huy động, vàng sẽ mang thêm chức năng là phương tiện lưu thông tương tự tiền. Khi có thêm chức năng này, nhu cầu về vàng sẽ tăng. Cộng với các kích hoạt khác như Brexit sẽ tạo những cú sốc lớn làm tăng đầu cơ, tích trữ khiến thị trường bất ổn và dễ tổn thương. Đây sẽ là nguyên nhân khiến hiện tượng vàng hóa quay trở lại.
“Không nên có lãi suất vàng hay đánh thuế vàng trong dân”.
TS Nguyễn Đức Thành
Bình luận (0)