Đại biểu Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội trường Quốc hội
Phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng 22-11 về Báo cáo của Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết; tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) cho biết qua tiếp xúc ông phát hiện cử tri phê bình vấn đề chậm đưa pháp luật vào cuộc sống, đặc biệt vấn đề nợ các văn bản.
Cũng theo ĐB Phúc, khi tiếp xúc cử tri tại Hà Tĩnh, đã có một giáo viên nghỉ hưu thắc mắc tại sao trong các báo cáo cứ dùng từ “tồn tại” mà không dùng là “hạn chế”, “yếu kém”. “Tôi có xem lại một số báo cáo thì thấy đúng như vậy. Bác ấy bảo về mặt triết học, tôi hợp lý có nghĩa là “tôi tồn tại”, “tôi tồn tại” có nghĩa việc tồn tại là hợp lý. Trong văn bản luật ở cấp trung ương mà còn dùng từ như thế thì chúng tôi không biết giải thích như thế nào” - đại biểu Phúc nói.
Ông Phúc cho biết ông rất chú ý tới ý kiến của một cử tri khi tham gia góp ý cho dự thảo Hiến pháp thông qua dự thảo online của Quốc hội. “Cử tri này bảo tôi chỉ tham gia với Quốc hội một câu thôi, một chữ thôi trong dự thảo Hiến pháp: Đấy là tại làm sao mà trong văn bản Hiến pháp từ “Đảng” viết hoa, “Nhà nước” viết hoa nhưng từ “nhân dân” lại không viết hoa? Nhân dân là chủ thể quan trọng nhưng lại không viết hoa. Cử tri thấy rằng chúng ta không viết hoa từ “nhân dân”, đấy cũng có thể về mặt kỹ thuật, nhưng đã vô hình chung không coi trọng chủ thể quan trọng của Hiếp pháp và pháp luật đấy là nhân dân. Tôi thấy cử tri phát biểu ý đó rất là xác đáng để cho chúng ta có một cách để nghiên cứu và tiếp thu”- ông Phúc bày tỏ.
Bình luận (0)