Song, sức nóng của hoạt động chất vấn trực tiếp tại kỳ họp này có lẽ giảm đi đáng kể bởi có những thành viên Chính phủ, trưởng ngành ra trả lời chất vấn trực tiếp trước nghị trường không hẳn là những vị “tư lệnh” trong các lĩnh vực đang được cử tri cả nước quan tâm nhất.
Theo chương trình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng 4 “tư lệnh”: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình sẽ trực tiếp trả lời chất vấn.
Việc không có các vị đứng đầu các lĩnh vực y tế, thủy điện… ra trả lời chất vấn về các vấn đề nóng bỏng đang được cử tri cả nước quan tâm sau hàng loạt vụ việc chấn động dư luận như “bác sĩ ném xác phi tang”, vụ án Nguyễn Thanh Chấn…, cũng như thiệt hại nặng nề về người và tài sản do mưa lũ miền Trung có sự “tiếp tay” của thủy điện xả lũ ồ ạt.
Giải thích lý do không chọn các vị bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực đang khiến cử tri và dư luận cả nước bức xúc, Chủ nhiệm Văn phòng QH đồng thời là Trưởng đoàn Thư ký kỳ họp QH cho biết kết quả lựa chọn các thành viên Chính phủ ra trả lời chất vấn trước QH kỳ này dựa trên cơ sở yêu cầu của đại biểu, đồng thời có ưu tiên các bộ trưởng chưa được trả lời chất vấn.
Có điều rất đáng chú ý là sau 5 ngày gửi văn bản xin ý kiến các đại biểu QH về danh sách dự kiến người trả lời chất vấn và nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ QH chỉ nhận được ý kiến phản hồi từ 296 đại biểu. Tức là có tới 202 vị đại biểu của dân không có ý kiến gì về việc chọn người chất vấn trực tiếp tại nghị trường.
Chất vấn và trả lời chất vấn tại mỗi kỳ họp là một hoạt động giám sát tối cao của QH. Qua hoạt động này, cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân làm rõ trách nhiệm cũng như giải pháp để khắc phục các tồn tại, yếu kém trong việc quản lý, điều hành của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong những lĩnh vực được giao phó.
Trong khi đó, đại biểu QH là người được cử tri bầu chọn để nói lên tâm tư, nguyện vọng, đồng thời thay mặt họ tham gia xem xét, quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước cũng như giải quyết các vấn đề bức xúc nảy sinh từ cuộc sống. Với vai trò được cử tri phó thác đó, đại biểu QH sẽ thật sự trở thành đại biểu của dân nếu nói tiếng nói của người dân, phản ánh mong muốn của người dân, đồng thời bàn thảo và quyết định các vấn đề lớn của đất nước phù hợp với nguyện vọng và ý chí của người dân.
Nghe tiếng nói của đại biểu trên nghị trường, cử tri biết tiếng dân vào nghị trường thế nào.
Bình luận (0)