xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nên xem nghiện ma túy là bệnh đặc biệt

QUÝ HIỀN thực hiện

Ông Nguyễn Thành Tài - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM, người từng phụ trách lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội - cho rằng nên xem người nghiện ma túy là người khiếm khuyết về nhân cách, mắc một bệnh đặc biệt và cần được cai nghiện tập trung

Phóng viên: Một số điều khoản của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định quy trình cai nghiện ma túy theo hướng nặng về nhân quyền. Ông nhận định gì về quan điểm này?

img

- Ông Nguyễn Thành Tài: Mỗi quốc gia, mỗi đất nước có đặc thù riêng, không thể bắt Việt Nam giống nước khác hay ngược lại. Thực tế TP HCM là nơi tập trung người nghiện ma túy ở các tỉnh, thành khác, do đó số người nghiện ở đây tăng lên từng ngày. Từ ma túy đã phát sinh nhiều loại tội phạm nguy hiểm khiến xã hội bất an, người dân lo lắng. Chúng ta luôn kêu gọi tôn trọng quyền con người nhưng cũng phải tùy vào hoàn cảnh cụ thể. Không thể tôn trọng quyền con người mà để hàng triệu người khác sống trong bất an. Do đó, nên tôn trọng quyền con người theo hướng bảo đảm an toàn cho cộng đồng.

Hiện nay, người nghiện ma túy tạo ra bi kịch trong gia đình. Để có tiền hút chích, họ có thể làm bất cứ việc gì, như trộm, cướp. Bi kịch hơn, khi bị ảo giác, người nghiện có thể giết người. Như vậy, vấn đề nhân quyền ở đây chính là tìm mọi cách để đưa người nghiện đi cai nghiện, giáo dục nhân cách cho họ. Chỉ xuất phát từ lòng yêu thương con người với con người, chúng ta mới làm được điều đó.

Nghĩa là chúng ta vẫn kiên định giải pháp cai nghiện tập trung?

- Đúng vậy, trong hoàn cảnh hiện nay, giải pháp đưa đi cai nghiện tập trung là tối ưu.

Theo tôi, tác nhân tác động trực tiếp đến ma túy là môi trường văn hóa. Hiện nay, chúng ta chưa có môi trường văn hóa lành mạnh, những thói hư tất xấu đầy rẫy trên mạng. Nghị quyết Trung ương 9 của Đảng đã nhận định đạo đức xã hội xuống cấp, tội phạm nguy hiểm và trẻ hơn, đạo đức gia đình sa sút. Chính điều này đã tác động đến nhân cách, hành vi của con người, góp phần làm gia tăng tệ nạn xã hội, trong đó có ma túy.

 

Cầu dành cho người đi bộ là nơi thường được người nghiện đến chích ma túy  Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cầu dành cho người đi bộ là nơi thường được người nghiện đến chích ma túy Ảnh: HOÀNG TRIỀU

 

Ngoài ra, hiện điều kiện tiếp cận ma túy lại quá dễ, muốn mua ma túy ở đâu cũng có, muốn sử dụng chỗ nào cũng được. Vậy làm sao có thể cai nghiện ma túy tại cộng đồng? Trong khi đó, thời gian mỗi thành viên trong gia đình quan tâm, chăm sóc nhau ngày càng ít đi. Vậy điều gì bảo đảm người nghiện ma túy nhận được sự động viên, quan tâm từ gia đình?

- Trong khi đó, quy trình xử lý đối tượng nghiện ma túy theo Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng như các nghị định kèm theo còn nhiều phức tạp, như chờ người nghiện sử dụng ma túy 2 lần mới xử phạt hành chính, sau khi xử phạt 2 lần mới lập hồ sơ đưa sang tòa án, đối tượng nghiện tự nguyện đến trình diện địa phương, đoàn thể để xin cai nghiện tại cộng đồng... Như vậy chẳng khác nào “trói tay, trói chân” cơ quan chức năng. Thực tiễn tại TP HCM trong thời gian dài cho thấy cai nghiện ma túy tại cộng đồng không có hiệu quả.

Ông có thể nói rõ hơn về cai nghiện tập trung mà TP HCM đã làm cách đây hơn 10 năm?

- Thực hiện Nghị quyết 16 của Quốc hội về thực hiện đề án “Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện” ở TP HCM, năm 2002, thành phố đưa hàng chục ngàn con nghiện vào các trung tâm, cao điểm năm 2004 lên đến khoảng 32.000 đối tượng. Lúc đó, 30% đối tượng nghiện cấu thành tội phạm nhưng chúng tôi chỉ xem họ có sự khiếm khuyết về nhân cách, mắc một bệnh nào đó nhưng là bệnh đặc biệt, có nguy cơ ảnh hưởng đến an nguy của cộng đồng. Việc đưa vào trường trại không phải là không tôn trọng quyền con người mà mục đích là nhằm tạm thời cách ly con nghiện với môi trường bên ngoài. Vả lại, việc đưa họ vào trường trại để cắt cơn, giải độc là hết sức cần thiết. Trong giai đoạn cắt cơn mà để họ tiếp cận với ma túy như sống trong cộng đồng thì việc cai nghiện sẽ không hiệu quả.

Việc hàng chục ngàn con nghiện cắt cơn đồng nghĩa với cắt nguồn “cầu” ma túy ngoài xã hội. Mà cắt “cầu” thì ảnh hưởng ngay đến nguồn “cung”. Lúc này, lực lượng chức năng tấn công mạnh mẽ vào các đầu nậu cung cấp ma túy. Nhờ vậy, một thời gian dài, thành phố đã hạn chế được tệ nạn ma túy. Đó là những gì mà TP HCM đã nỗ lực làm trong thời gian đó.

Tất nhiên, mỗi thời điểm sẽ có cách làm khác nhau. Lúc đó, thành phố quá gấp rút đưa con nghiện vào các trung tâm nên việc phân loại chưa được quan tâm lắm. Nếu làm lại, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta nên phân loại nhiều nhóm đối tượng khác nhau để có phương thức thích hợp thì việc cai nghiện sẽ hiệu quả hơn.

Trên trận địa phòng chống ma túy, đòi hỏi phải kiên định, lâu dài, phải có quyết tâm chính trị và sự đồng thuận cao.

Trong khi chờ một cơ chế cai nghiện ma túy riêng cho TP, theo ông, những giải pháp cấp bách nào cần làm trong lúc này?

- Phòng chống tệ nạn ma túy hiệu quả cần có giải pháp đồng bộ. Tôi không hy vọng Quốc hội sẽ có cơ chế riêng cho TP HCM, vì để có một cơ chế, TP HCM phải có đề án, có khi mất vài năm. Trước khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 16, TP HCM phải mất 2-3 năm chuẩn bị đề án.

Trước mắt, lực lượng công an phải tấn công nhiều hơn, quyết liệt hơn, xử lý mạnh tay với những đầu nậu và hệ thống bán lẻ để việc tiếp cận ma túy không còn quá dễ như hiện nay. Bên cạnh đó, cần giải quyết những nghị định “trói” cơ quan chức năng. Đến nay, các địa phương gặp khó do 3 bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Y tế; Công an vẫn chưa ban hành được hồ sơ, biểu mẫu, hướng dẫn nghiệp vụ đưa đối tượng đi cai nghiện. Nên chăng 3 bộ này thống nhất chỉ cần 1 hồ sơ là có thể đưa đối tượng vào trung tâm cai nghiện. Tôi nghĩ, vấn đề này đã đến mức báo động thì nên làm ngay.

Trong khi chờ các ngành liên quan “chuyển động”, Chính phủ nên cho phép TP HCM đưa ngay những người nghiện lâu năm vào các trung tâm mà không cần phải đợi đủ 2 lần xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, nên xem xét cho tòa án có một bộ phận chỉ lo chuyện thẩm định hồ sơ đưa đối tượng nghiện ma túy đi cai để rút ngắn thời gian đưa người nghiện vào trung tâm.

 

Ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND TP HCM:

Các bộ, ngành phải vào cuộc!

Tình hình tệ nạn xã hội, đặc biệt là phạm pháp hình sự liên quan đến người nghiện ma túy, ngày càng tăng, hành vi cũng hết sức manh động đang làm người dân TP HCM lo lắng. Dư luận xã hội đang hết sức quan tâm và trông chờ Quốc hội, Chính phủ nên cho TP HCM thí điểm tập trung đưa người nghiện vào trường, trại. Hàng ngày, người nghiện mới phát sinh, ở trường trại trở về cộng đồng cũng nhiều. Vì thế, chúng ta không thể chần chừ thêm nữa.

Trong khi chờ Quốc hội chỉnh sửa luật, Chính phủ xem xét cho thành phố cơ chế riêng về tổ chức, đưa đi cai nghiện. Nên chăng các bộ, ngành liên quan nhanh chóng hoàn thiện quy trình đưa người nghiện đi cai, “cởi trói” để TP HCM chủ động trong việc đẩy lùi và trấn áp tội phạm ma túy nhằm đem lại cuộc sống bình yên cho người dân, nhất là trong dịp Tết nguyên đán sắp tới.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách Quốc gia Trường ĐH KHXH-NV:

Phải hạ ngay cơn sốt trước khi chữa bệnh

Để giải quyết tình trạng người nghiện hút chích tràn lan như hiện nay, cần phải hạ ngay cơn sốt trước khi chữa bệnh. Số lượng người nghiện ma túy cũng như các vụ phạm pháp hình sự do người nghiện gây ra đang ở mức báo động, xã hội đang sốc vì vấn nạn này. Do đó, chúng ta phải gom những đối tượng này lại để “giảm nhiệt” do tình hình đang hết sức nóng bỏng.

Ma túy càng nhiều, bất ổn càng cao nên phải cách ly người nghiện để xã hội an toàn hơn, hạn chế sự lây lan tệ nạn trong cộng đồng. Tất nhiên, khi tập trung người nghiện, nhà nước sẽ tốn rất nhiều kinh phí, nhân lực nhưng không thể không làm để đem lại sự bình yên cho người dân, cho xã hội. Khi tập trung đối tượng nghiện vào các trường trại, tinh thần nhân đạo chung là không xâm phạm họ. Sau khi gom đối tượng nghiện, thành phố cần tính toán đến giải pháp cai nghiện căn cơ, hiệu quả, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức cai nghiện cần phải trường kỳ, không thể triệt tiêu hoàn toàn mà chỉ hạn chế không để xảy ra xung đột. Kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy giải pháp chính của phòng chống ma túy vẫn là ngăn chặn nguồn cung ứng ma túy, giảm phát sinh số người nghiện thêm.

V.Lê ghi

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo