Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (bìa trái) tham gia triển lãm bến chiếc xe thồ phi thường chở 345 kg của công dân Trịnh Ngọc
Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, hơn 400 tài liệu, hiện vật, tư liệu… thể hiện những đóng góp, công lao to lớn của người dân trong 2 cuộc đấu tranh chống Pháp và Mỹ xâm lược bảo vệ Tổ quốc đã được trưng bày tại triển lãm ảnh và tư liệu “Thanh Hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước giai đoạn 1945 - 1975”, diễn ra từ ngày 4-5 đến 11-5 tại bảo tàng Thanh Hóa.
Đặc biệt tại triển lãm có rất nhiều những hình ảnh, tư liệu, hiện vật quý là nhân chứng sống về những đóng góp to lớn của dân nhân Thanh Hóa chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954.
Thời điểm đó, khi Chiến dịch Điện Biên Phủ đang bước vào những thời điểm chuẩn bị cho một trận đánh lớn, việc vận chuyển lương thực tiếp tế cho tiền tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ là vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết. Vì đường lên Điện Biên Phủ toàn rừng núi hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt… Với tinh thần “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” quân dân Thanh Hóa đã huy động hơn 12 vạn dân công dài hạn và trên 76 nghìn dân công ngắn hạn để vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men, súng đạn, các nhu yếu phẩm… cho chiến dịch, với phương tiện vận chuyển chủ yếu là xe đạp thồ.
Thanh Hóa đã huy động số lượng phương tiện lớn nhất trong cả nước với 20.000 phương tiện, trong đó có trên 11.000 chiếc xe đạp thồ, 1.300 chiếc thuyền các loại. Mở đầu đợt vận chuyển, Trung ương giao Thanh Hóa huy động, vận chuyển 1.352 tấn gạo và 100 tấn thực phẩm. Đợt 2, đầu tháng 3-1954, Trung ương giao Thanh Hóa huy động, vận chuyển 1.000 tấn gạo và 165 tấn thực phẩm giao tại Km số 22, đường 41, Thanh Hóa hoàn thành trước thời hạn 3 ngày.
Với khí thế hừng hực hướng về Điện Biên Phủ, những đoàn xe thồ, dân công gánh gồng đã ngược miền Tây Thanh Hóa lên Hòa Bình, Sơn La để tới Điện Biên Phủ với tuyến đường dài hơn 500 km. Những chiếc xe đạp thồ được ví như những chú “ngựa sắt” với sức chở 80 - 100 kg. Kỷ lục vận chuyển lương thực bằng xe đạp thồ phải kể đến dân công Trịnh Ngọc, người ở thị xã Thanh Hóa với 345,5kg/chuyến.
Dưới đây là một số hình ảnh về cuộc triển lãm “Thanh Hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước giai đoạn 1945 – 1975” được PV Báo Người Lao Động ghi lại:
Bình luận (0)