Đáng báo động, không chỉ thành phần bất hảo phạm tội mà ở mọi tầng lớp, mọi nghề nghiệp đều có người gây án. Những con số khô khốc nêu trên là vô tri, vô giác nhưng con người không thể vô cảm, vô tâm.
Có thể minh chứng vài vụ trọng án trong số hàng chục vụ án mạng xảy ra từ giữa tháng 10-2016 đến nay. Cho rằng Công ty TNHH Long Sơn (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) san ủi đất vườn khi chưa bồi thường, một số người dân địa phương đã dùng súng bắn vào nhóm công nhân công ty làm 3 người chết, 16 người bị thương. Tiếp đó là vụ Châu Minh Nhân cùng lúc sát hại vợ, con trai của Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để cướp tài sản. Mới đây, ngày 3-11, Trần Văn Chuẩn (SN 1991; ngụ huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) đã đâm chết một thanh niên chỉ vì mâu thuẫn nhỏ khi chơi game…
Khi xảy ra các vụ trọng án, điều khiến dư luận bàng hoàng không chỉ vì số lượng người chết nhiều mà còn bởi phương thức gây án quá tàn nhẫn. Như nhận định của thiếu tá - tiến sĩ Trần Thị Hương, thuộc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm, nhiều vụ án mạng mà sự hung bạo của nó chưa hề có tiền lệ trong lịch sử ngành tư pháp Việt Nam.
Các kết quả điều tra xã hội học cũng chỉ ra rằng nguyên nhân sâu xa của hành vi phạm tội chính là sự tha hóa, xuống cấp về đạo đức xã hội có chiều hướng gia tăng. Sự tha hóa, xuống cấp ấy bị tác động bởi nền kinh tế thị trường, vốn dĩ chưa tương đồng với phát triển văn hóa - xã hội. Bên cạnh đó, sự phân hóa giàu - nghèo ngày càng rõ rệt, con người có suy nghĩ lệch lạc, dẫn đến hành vi vô nhân tính.
Tội ác gia tăng rất đáng sợ. Thế nhưng, đáng sợ hơn cả lại là sự vô cảm của một bộ phận không nhỏ con người hiện nay.
Dư luận từng bức xúc trước nạn sản xuất, buôn bán rau quả, thịt gia cầm kém chất lượng; tình trạng sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi, dùng hóa chất để chế biến, bảo quản thực phẩm… gây nguy hại đến tính mạng người sử dụng. Sẽ không quá lời khi nói rằng những hành vi trên cũng chính là tội ác bởi nó đã âm thầm hủy hoại sức khỏe, gieo rắc cái chết cho cộng đồng.
“Luật nhân - quả” vốn dĩ rất minh định, kẻ thủ ác sẽ phải đền tội. Tuy nhiên, dù bản án có thích đáng đến mấy cũng không thể nào bù lại được những mất mát của người bị hại cũng như những sang chấn tâm lý nặng nề mà xã hội gánh chịu. Ngay chính kẻ thủ ác cũng sẽ bị bản án lương tâm dày vò suốt cả đời.
Xã hội ngày càng phát triển, các hình thức phạm tội cũng muôn hình vạn trạng. Biết rằng khó có thể ngăn chặn cái ác sinh sôi nhưng con người hoàn toàn có thể hạn chế, kiểm soát nó. Hai sức mạnh “pháp luật - đạo đức” chính là công cụ để tạo nên một xã hội an lành - văn minh.
Bình luận (0)