Ngày 16-6, Quốc hội (QH) thảo luận về dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi). Các đại biểu (ĐB) cùng bày tỏ lo ngại về tình trạng “chảy máu” tài nguyên khoáng sản trong thời gian qua. Do vậy luật cần có chế tài với mối nguy hại này.
Bộ đội biên phòng Quảng Ninh bắt giữ tàu chở than lậu
Bỏ cấp phép khai thác
ĐB Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) cho rằng hiện đang diễn ra tình trạng lợi dụng cơ chế xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản rồi sang tay để kiếm lời. Nguyên nhân của tình trạng này là do thủ tục cấp giấy phép hoạt động khoáng sản vẫn nặng cơ chế “xin cho”. Bà Lan đề nghị luật cần quy định rõ chỉ cho phép chuyển nhượng quyền thăm dò, còn quyền khai thác khoáng sản phải thông qua đấu giá.
Đồng tình, ĐB Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) cho rằng việc đấu giá quyền khai thác mỏ sẽ là “vũ khí” đấu tranh với những đường dây chạy giấy phép. ĐB Trần Đình Nhã (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị luật phải bỏ hẳn cơ chế cấp phép khai thác khoáng sản mà chỉ cấp phép thăm dò. Ông Nhã nhấn mạnh: “Chỉ có đấu giá cao mới bảo đảm lợi ích cho các bên nếu không lại bán đổ, bán tháo khoáng sản”.
Nhiều ĐB đề nghị hạn chế hoặc cấm khai thác khoáng sản ở đầu nguồn sông suối, khu vực biên giới nhạy cảm; có quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp đối với địa phương, người dân địa phương nơi khai thác khoáng sản...
“Đóng cửa” xuất khẩu than, titan
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Lê Quốc Dung nhấn mạnh hiện VN đã có 2 mức giá than là giá bao cấp và giá xuất khẩu. Tuy nhiên, mỗi năm VN xuất khẩu khoảng 22 triệu tấn than đã dẫn tới những “trận chiến” làm “chảy máu vàng đen” ra nước ngoài với giá “bèo”. Titan là kim loại rất quý nhưng xuất khẩu 500.000 tấn/năm với giá rất rẻ, thậm chí còn xuất lậu, Nhà nước không thu được một đồng tiền thuế.
Theo ông Lê Quốc Dung, khoáng sản là loại tài nguyên phải mất hàng trăm triệu năm mới hình thành mà gần như không có khả năng tái tạo. Do đó, luật cần tạo ra thiết chế quản lý một cách chặt chẽ, tránh việc bán tống, bán tháo tài nguyên quốc gia để các nhóm lợi ích ăn chia với nhau.
ĐB Trần Hồng Việt (Hậu Giang) đề nghị chỉ nên khuyến khích khai thác khoáng sản phục vụ chế biến trong nước, còn phải dừng lại xuất khẩu một số khoáng sản thô như than đá, titan... Các ĐB cũng đề xuất phí đền bù môi trường phải cao hơn mức 2% doanh thu mà dự thảo đề xuất. Về vấn đề này, ĐB Trần Hữu Thế (Phú Yên) cho rằng người dân nơi khai thác khoáng sản có quyền được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên trên địa bàn, trong khi dự luật quy định rất chung chung mà như “ban phát”.
Nhiều ĐB cũng đề nghị giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối quản lý nhà nước duy nhất về tài nguyên khoáng sản từ lập quy hoạch đến cấp phép... để phân rõ trách nhiệm.
Đề nghị miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT với ông Nguyễn Thiện Nhân
Theo chương trình kỳ họp, hôm nay (17-6), QH sẽ bỏ phiếu kín về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đối với ông Nguyễn Thiện Nhân và chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của QH đối với ông Nguyễn Hoàng Anh. QH cũng nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tờ trình đề nghị QH phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng trình bày tờ trình về việc giới thiệu nhân sự để QH bầu giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, sinh năm 1953, quê Trà Vinh, là giáo sư kinh tế, tiến sĩ điều khiển học, thạc sĩ quản lý cộng đồng, ĐB QH khóa X và XII , Ủy viên Trung ương Đảng khóa X. Tháng 6-2006, ông được QH phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tháng 8-2007. Từ tháng 4-2010, ông Nguyễn Thiện Nhân đã tạm giao quyền điều hành Bộ GD-ĐT cho Thứ trưởng Thường trực Phạm Vũ Luận để tập trung vào nhiệm vụ Phó Thủ tướng.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, sinh năm 1963, quê TP Hải Phòng, thạc sĩ, là ĐB QH các khóa XI và XII. Tháng 5-2010, ông được điều động giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng và được HĐND tỉnh Cao Bằng ngày 2-6 vừa qua bầu giữ chức chủ tịch UBND tỉnh. Ngày 14-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê chuẩn bổ sung ông Nguyễn Hoàng Anh giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2004-2011.
P. Dương |
Bình luận (0)