Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pan Nature) vừa thực hiện một nghiên cứu về “Ngành ngân hàng Việt Nam và trách nhiệm đối với môi trường, xã hội”. Nghiên cứu đánh giá tuy không phải là nhà chức trách hay chủ đầu tư nhưng các ngân hàng vẫn có tiếng nói quyết định trong việc thực hiện các dự án thủy điện. Bởi với tư cách là đơn vị cho vay tài chính, ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết và cấp vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trách nhiệm của ngành ngân hàng trong việc giúp cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, an sinh xã hội chưa được quan tâm nhiều.
Pan Nature đã nghiên cứu 19 ngân hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kết quả cho thấy cán bộ tín dụng ngân hàng chưa thực sự quan tâm đến các rủi ro về môi trường khi thẩm định hồ sơ tín dụng. Hầu hết khi thẩm định hồ sơ tín dụng chỉ xem báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt hay chưa. Trong khi đó, đánh giá tác động môi trường của Việt Nam hiện nay được thế giới đánh giá ít hiệu quả. Chính những yếu kém trong việc thực hiện và phê duyệt đánh giá tác động môi trường đã “giúp” cán bộ tín dụng dễ dàng “phủi tay” trách nhiệm và năng lực trong việc thẩm định báo cáo.
Thủy điện Đồng Nai 2 tại huyện Di Linh - Lâm Đồng. Ảnh: VĂN TRƯƠNG
Trường hợp của dự án thủy điện Đồng Nai 2 cũng vay hơn 50% tổng vốn đầu tư từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam hay dự án thủy điện Đồng Nai 5 hiện nay cũng đang chậm tiến độ vì nguồn vốn chủ lực để thực hiện dự án vay từ các ngân hàng nước ngoài nhưng đã không vay được.
Nếu các ngân hàng yêu cầu các dự án vay vốn phải bảo đảm an toàn về môi trường và an sinh xã hội sẽ góp phần hạn chế các dự án gây ô nhiễm, ảnh hưởng cuộc sống người dân cũng như giúp nền kinh tế phát triển bền vững hơn.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang xây dựng một quy định dành cho các ngân hàng hoạt động tại Việt Nam về việc bảo đảm an toàn môi trường, xã hội trong các hoạt động tín dụng. Đây sẽ là một trong những tín hiệu khả quan cho việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững |
Bình luận (0)