Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Phó Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam, trên các lưu vực sông thuộc địa bàn tỉnh này có 58 dự án thủy điện được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất là 1601 MW, sản lượng 6,525 tỉ KWh/năm.
Trong đó, 10 dự án bậc thang thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn với tổng công suất là 1.094 MW, sản lượng 4,365 tỉ KWh/năm; 48 dự án thủy điện vừa và nhỏ do UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch với tổng công suất là 507 MW, sản lượng 2,160 tỉ KWh/năm.
Không còn khả năng điều tiết lũ
Tuy nhiên, Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho biết dung tích phòng lũ của các công trình thủy điện bậc thang theo quy hoạch từ năm 2000 ở Quảng Nam đã bị cắt giảm gần hết.
Cụ thể, thủy điện Sông Tranh 2 có dung tích phòng lũ theo quy hoạch ban đầu là 233 triệu m3 nhưng khi thiết kế chỉ còn 75,52 triệu m3; thủy điện A Vương có dung tích ban đầu là 110 triệu m3, nay chỉ còn 14,25 triệu m3; thủy điện Đắk Mi 4 có dung tích quy hoạch 14 triệu m3, nay chỉ còn 2,2 triệu m3...
Người dân huyện Bắc Trà My - Quảng Nam vào rừng dựng nhà để tránh động đất. Ảnh: THÚY PHƯƠNG
Nếu so với quy hoạch ban đầu, 10 hồ thủy điện bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có tổng dung tích phòng lũ là 1.070 triệu m3 nhưng sau khi được điều chỉnh và thiết kế cụ thể từng công trình thì chỉ còn 146,44 triệu m3. Vì vậy, các hồ thủy điện bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn hầu như không còn khả năng điều tiết giảm lũ, chậm lũ.
Nguy hiểm hơn, hầu hết các thủy điện này đều nằm ở khu vực có độ cao từ 700 - 1.000 m so với mực nước biển và cách khu dân cư từ 25 đến 40 km, theo đường chim bay. Hậu quả là trong những năm gần đây, mỗi khi đến mùa mưa bão, các thủy điện xả lũ vượt quy định làm hàng chục ngàn ngôi nhà ở vùng hạ du chìm trong biển nước.
Chỉ biết lợi về mình
Ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết theo tính toán ban đầu, hầu hết hồ thủy điện bậc thang có lưu lượng xả nước phát điện lớn hơn dòng chảy kiệt của lưu vực. Đây là điều hết sức thuận lợi vì sẽ bổ sung lượng nước đáng kể phục vụ cho sản xuất và đời sống người dân vùng hạ du.
Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết vì trên thực tế, các công trình thủy điện sẽ có một số thời đoạn chỉ phát điện “phủ đỉnh” và ngừng xả nước phát điện ở những giờ thấp điểm trong ngày hoặc để bảo dưỡng thiết bị, xử lý các sự cố bất ngờ khác của công trình. “Lúc đó, toàn bộ vùng hạ du sẽ bị thiếu nước, đồng thời nước mặn từ biển có điều kiện xâm nhập sâu vào các cửa sông, gây thiệt hại cho người dân” - ông Tuấn nhận định.
Dẫn chứng điều này, ông Tuấn cho biết tháng 7-2008, thủy điện A Vương tích nước để chuẩn bị phát điện đã gây hạn hán tại một số địa phương của Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Đến tháng 7-2009, thủy điện này lại đóng nước để bảo dưỡng thiết bị phục vụ cho nghiệm thu công trình nên làm lưu lượng và mực nước tại đập dâng An Trạch thiếu hụt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, TP Hội An (Quảng Nam) và TP Đà Nẵng. “Rõ ràng, các thủy điện lấy hiệu quả phát điện làm chính mà không quan tâm đến an toàn vùng hạ du” - ông Tuấn bức xúc.
Hơn 13.000 người phải di dời
Theo số liệu tổng hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh có 22 thủy điện lập đề án di dời dân với hơn 3.000 hộ, tương ứng 13.059 khẩu. Trong đó, 4 công trình thủy điện đã và đang triển khai di dời 766 hộ dân, gồm: thủy điện Sông Côn (30 hộ), thủy điện A Vương (257 hộ), thủy điện Đắk Mi 4 (66 hộ), thủy điện Sông Tranh 2 (413 hộ). Người dân trong các khu tái định cư đều bị thiếu đất sản xuất nghiêm trọng nên phải phá rừng để lấy đất sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, những trận động đất liên tục xảy ra trong những ngày qua tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 đã khiến hàng trăm người ở các khu tái định cư bỏ nhà vào rừng tìm đất làm nương rẫy, dựng lều sinh sống... |
Bình luận (0)