Ngày 17-6, ngư dân Phạm Hữu Danh (ngụ xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) phản ánh việc Ngân hàng (NH) Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Quy Nhơn từ chối cho ông vay vốn đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67/CP. Theo ông Danh, giữa năm 2016, ông đăng ký vay vốn đóng tàu công suất 900 CV để hành nghề mành chụp. Cuối năm, hồ sơ được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt đủ điều kiện đăng ký đóng mới tàu cá. Ông mang quyết định đến Agribank để được hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn. Theo hướng dẫn của Agribank, ông nộp đủ hồ sơ và 800 triệu đồng để làm vốn đối ứng cho hợp đồng đóng tàu mới.
Ông Phạm Hữu Danh nói lý do ngân hàng từ chối cho vay là không thuyết phục
"Sau thời gian dài chờ đợi, gần đây Agribank mời tôi lên, khuyên rút hồ sơ và đừng vay vốn nữa vì hiện một số tàu vỏ thép trong tỉnh vừa đóng mới đã gỉ sét, hỏng máy khiến chủ tàu làm ăn kém hiệu quả, không có tiền trả nợ NH. Tôi nghĩ trả lời như vậy là không thuyết phục" - ông Danh bức xúc.
Trong khi đó, ông Châu Xuân Cường, Giám đốc Agribank Chi nhánh Quy Nhơn, cho rằng hồ sơ vay vốn của ông Danh vẫn trong giai đoạn thẩm định chứ NH chưa ký hợp đồng tài trợ vốn. Còn việc nộp 800 triệu đồng là không phải theo yêu cầu của NH mà là ông Danh tự nộp vào tài khoản ở Agribank.
"Ông Danh khai không trung thực. Khai trong hồ sơ rằng tàu cá công suất 33 CV của mình đang sử dụng được mua vào năm 2009. Nhưng qua xác minh, tàu mới mua năm 2016 và ông ấy mới có bằng thuyền trưởng vào tháng 2-2017. Nói chung, ông Danh chưa có kinh nghiệm đánh bắt nên khó có khả năng trả nợ vay mười mấy tỉ đồng" - ông Cường nói.
Không riêng gì ông Danh, nhiều ngư dân được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt đủ điều kiện vay vốn đóng tàu vỏ thép mới cũng cho rằng việc vay vốn đóng tàu vỏ thép đang gặp nhiều khó khăn hơn. "Tôi cũng được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt đủ điều kiện vay vốn đóng tàu nhưng mới đây, khi tiếp cận NH thấy họ đưa ra nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp quá nên tôi bỏ ý định đóng tàu" - bà Nguyễn Thị Hồng (ngụ xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) nói.
Giúp nông dân vay vốn
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, cho biết tính đến nay, tỉnh Bình Định đã phê duyệt 256 trường hợp đủ điều kiện đóng tàu mới theo Nghị định 67 nhưng hiện mới có 56 chủ tàu ký hợp đồng tín dụng vay vốn. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc ngư dân ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn vay NH là do thời gian gần đây, địa phương xảy ra sự cố hàng loạt tàu vỏ thép hư hỏng. Tàu không ra khơi đánh bắt được nên nhiều ngư dân lâm cảnh nợ nần, thậm chí không ít chủ tàu đang dính nợ xấu NH. "Nghị định 67 là chủ trương lớn của Đảng, nhà nước nhằm hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, cải thiện đời sống và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Bởi vậy, chúng tôi sẽ báo cáo với UBND tỉnh làm việc với NH Nhà nước để tạo điều kiện cho ngư dân dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay của các NH thương mại" - ông Hổ nói.
Bình luận (0)