Sáng 15-6, ông Trần Văn Hạo (ngụ TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), chủ tàu cá vỏ thép BĐ-99029 TS, đã đến Báo Người Lao Động phản ánh về việc tàu cá của ông bị nhân viên của Công ty TNHH MTV Nam Triệu (gọi tắt là Công ty Nam Triệu, trụ sở ở TP Hải Phòng) tháo thiết bị, không cho tàu của ông ra khơi đánh bắt.
"Cấm" ngư dân ra khơi!
Theo trình bày của ông Hạo, cách đây khoảng 3 ngày, ông đã mời 15 thuyền viên, đồng thời đặt mua nước đá, lương thực... cho chuyến đánh bắt xa bờ dự kiến khởi hành từ ngày 14-6. Thế nhưng, khi mọi thứ đã sẵn sàng, đến giờ tàu chuẩn bị rời bến thì ông phát hiện một thiết bị điện khá quan trọng gắn trên tàu đã "không cánh mà bay". Ngay sau đó, ông liên hệ với phía Công ty Nam Triệu thì được một người tên Tân, nhân viên của công ty này, thừa nhận đã tháo thiết bị ra.
Hàng loạt tàu vỏ thép ở Bình Định nằm bờ vì hư hỏng
Ông Hạo hỏi tại sao các thứ khác trên tàu bị hư hỏng không mang đi sửa chữa mà lại tháo thiết bị điện đang hoạt động bình thường thì người này nói rằng tháo thiết bị đó để ông khỏi đi biển. Khi ông yêu cầu trả lại thiết bị để đưa tàu đánh bắt thì ông Tân cho rằng nếu đi tàu ra biển, bị hư hỏng thì ông tự chịu trách nhiệm chứ công ty không sửa chữa. "Tôi hỏi nếu không cho tàu tôi đi biển thì công ty có trả tiền vay ngân hàng, nuôi vợ, con tôi... không thì anh ta im lặng, hẹn 3 ngày sau sẽ đến lắp thiết bị. Thuyền viên đâu thể chờ mình, tàu không ra khơi thì họ đi tàu khác. Giờ Công ty Nam Triệu có trả thiết bị thì tàu cũng không thể đi được vì không còn thuyền viên" - ông Hạo ấm ức.
Trong khi đó, ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nam Triệu, nói rằng thiết bị điện gắn trên tàu cá ông Hạo được nhân viên tháo mang đi là cục cảm biến. "Do cục cảm biến bị hỏng nên nhân viên tôi mang đi sửa chứ không có chuyện tháo ra để không cho tàu ông Hạo đi biển. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại việc này" - ông Hùng nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, cho biết về nguyên tắc, Công ty Nam Triệu đã bàn giao tàu cho ông Trần Văn Hạo thì tài sản này là của ông Hạo. Nếu Công ty Nam Triệu tự ý tháo thiết bị trên tàu ông Hạo mà không được ông Hạo cho phép là sai. "Chúng tôi chưa nghe ông Hạo báo cáo về việc này chứ nếu có đã can thiệp ngay. Hiện việc thẩm định đối với tàu ông Hạo đã xong nên tàu ông có quyền đi biển. Nếu ông Hạo cảm thấy việc tự ý tháo thiết bị của Công ty Nam Triệu dẫn đến thiệt hại thì ông ta có quyền yêu cầu doanh nghiệp này bồi thường" - ông Hổ khẳng định.
Đang giám định tàu hỏng
Trước đó, khoảng cuối tháng 5-2016, Công ty Nam Triệu bàn giao tàu cho ông Trần Văn Hạo. Tuy nhiên, trong một năm qua, tàu của ông thường xuyên nằm bờ do hư hỏng, chỉ đánh bắt được 6 chuyến, lỗ khoảng 500 triệu đồng.
Tàu cá của ông Hạo là một trong số 19 chiếc tàu vỏ thép ở Bình Định vừa đưa vào hoạt động chưa lâu đã bị hư hỏng, phải thường xuyên nằm bờ khiến các chủ tàu lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất. Trong đó có 14 chiếc do Công ty Nam Triệu đóng, số còn lại do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (trụ sở tỉnh Nam Định) đóng.
Ông Phan Trọng Hổ cho biết thêm hiện công tác kiểm tra, lấy mẫu các tàu vỏ thép hư hỏng của Tổ thẩm định độc lập (do UBND tỉnh Bình Định thành lập) đã cơ bản hoàn thành. Hiện các mẫu vỏ thép, thiết bị... của tàu đang được gửi đi giám định. Dự kiến, khoảng từ ngày 20 đến 25-6, tổ công tác sẽ có kết luận chính thức về tàu vỏ thép hư hỏng báo cáo UBND tỉnh.
Cùng ngày, nguồn tin từ Công an tỉnh Bình Định cho biết cơ quan này đã chính thức có văn bản gửi Bộ Công an xin ý kiến chỉ đạo để vào cuộc điều tra vụ hàng loạt tàu vỏ thép mới đóng đã hư hỏng. "Hiện Phòng An ninh Kinh tế vẫn đang xác minh, nắm tình hình vụ việc. Khi nào có ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Bình Định sẽ giao cơ quan điều tra vào cuộc ngay" - nguồn tin cho biết.
Phải xử lý hình sự
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cũng xác nhận đã có văn bản yêu cầu Công an tỉnh xin ý kiến Bộ Công an để khẩn trương vào cuộc điều tra vụ hàng loạt tàu vỏ thép ở địa phương vừa hạ thủy chưa lâu đã hỏng.
"Chưa nói đến các thiết bị khác, việc các doanh nghiệp hợp đồng với ngư dân dùng thép Hàn Quốc hoặc Nhật Bản, lắp máy mới chính hãng mà lại dùng thép Trung Quốc, máy không chính hãng để đóng tàu là sai. Ngoài việc phải bồi thường theo đúng hợp đồng, hành vi này của các cơ sở đóng tàu cũng cần phải xử lý hình sự" - ông Châu nói.
Bình luận (0)