Trong dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, chiến thắng 30-4 và Quốc tế lao động 1-5 sắp tới, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phương án hoán đổi ngày làm việc để người lao động được nghỉ lễ liên tục 6 ngày, từ 28-4 đến 3-5. Phương án này là tin vui đối với công chức, viên chức nhưng với các doanh nghiệp (DN), nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài, các DN xuất nhập khẩu thì... vui không nổi!
Doanh nghiệp lo; cơ quan nhà nước trấn an
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 10-3, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết phương án hoán đổi ngày nghỉ, đi làm bù các dịp lễ, Tết chỉ áp đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các đơn vị này. Đối với các DN, tùy điều kiện cụ thể để quyết định cho người lao động nghỉ theo quy định của pháp luật.
Việc công chức nghỉ lễ dài ngày sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Trong ảnh: Doanh nghiệp đến làm việc tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nói về quyết định này, ông Hà Duy Hưng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đông Hưng (Bình Dương), cho biết kế hoạch sản xuất - kinh doanh của một DN đã được ấn định từ trước, rất khó thay đổi, nhất là ở các khâu liên quan đến thủ tục giấy tờ xuất - nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa. Hoạt động này của DN liên quan mật thiết đến việc thực thi trách nhiệm của cán bộ công chức nhà nước, chẳng hạn như hải quan, thuế... Vì vậy, với lịch nghỉ lễ dài ngày như vậy thì chắc chắn một bộ phận cán bộ ở các cơ quan nhà nước, trong đó có hải quan và thuế, sẽ được nghỉ. Điều này sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động DN. “Chỉ cần khâu giấy tờ trục trặc hoặc chậm trễ, chắc chắn DN sẽ gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn như phải nộp thêm phí lưu kho, bị đối tác phạt do chậm xuất hàng” - ông Hưng nêu ví dụ.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân thừa nhận việc nghỉ lễ, Tết nhiều cũng có tính hai mặt, bên cạnh việc người lao động có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động thì ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của cộng đồng DN. Tuy nhiên, ông Huân khẳng định trong thông báo nghỉ lễ thường nêu rõ: Các cơ quan, đơn vị thực hiện lịch nghỉ phải bố trí cán bộ, công chức, viên chức trực để giải quyết công việc, phục vụ tốt nhân dân và triển khai nghiêm túc việc đi làm bù. Các cơ quan, đơn vị không thực hiện lịch nghỉ cố định 2 ngày thứ bảy và chủ nhật hằng tuần thì căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp, đúng pháp luật. “Chưa kể, đối với các cơ quan nhà nước liên quan tới hoạt động tiếp dân, dịch vụ công thì vẫn phải có người làm việc bình thường trong những ngày nghỉ” - ông Huân nói thêm.
Cần ổn định lao động, ổn định sản xuất
Cũng đồng ý quan điểm nghỉ lễ dài ngày sẽ ảnh hưởng đến việc điều hành và kế hoạch sản xuất - kinh doanh nhưng ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), cho biết việc hoán đổi ngày nghỉ lễ, Tết thường được công bố rất sớm chứ không phải ban hành gấp gáp khiến DN bị động. “DN cũng phải chủ động căn cứ vào lịch thông báo này để tính toán, sắp xếp, bố trí công việc và nhân lực để hoạt động sản xuất - kinh doanh không bị ảnh hưởng” - ông Thọ nói.
Riêng ông Wang Chen Yi, Tổng Giám đốc Công ty Everwin (100% vốn nước ngoài, KCN Bình Chiểu, TP HCM), tuy thừa nhận nghỉ lễ dài ngày có ý nghĩa tích cực khi tạo đà tâm lý thoải mái cho người lao động nhưng đặt vấn đề: Việc nhà nước bố trí nghỉ lễ gần 1 tuần, nhất là sau đợt nghỉ Tết kéo dài 9 ngày kết thúc trước đó không lâu liệu có hợp lý? Cũng theo ông Wang Chen Yi, khi quyết định thông qua các phương án nghỉ lễ, nhà nước cần xét đến khía cạnh ổn định kinh tế. “Ngoài ra, việc đội ngũ cán bộ, công chức làm bù ngày thứ bảy có thể khiến họ lơ là, dẫn đến năng suất làm việc không cao” - ông Wang nhận định.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đạt Chí cho rằng đối với các DN hoạt động xuất nhập khẩu, DN phải làm thủ tục liên quan nhiều đến thuế, hải quan nhưng các ngành này lại nghỉ lễ dài, chỉ cử nhân viên trực thì không thể đáp ứng nhu cầu hoạt động của rất đông DN.
Nghỉ làm nhiều sao thể cạnh tranh, tăng trưởng?
Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đạt Chí, người lao động nghỉ lễ, Tết quá dài trong bối cảnh năng suất lao động của Việt Nam thấp đang gây nhiều khó khăn cho chính DN trong nước. Hàng Việt Nam kém cạnh tranh không hẳn vì chất lượng thấp mà do năng suất lao động kém, đẩy chi phí giá thành lên cao. Nhiều ngành xuất khẩu chủ yếu thâm dụng lao động mà nay lại nghỉ lễ kéo dài thì sẽ càng khó khăn.
Dù các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), DN tư nhân không nghỉ theo lịch của công chức nhà nước nhưng theo ông Chí, rất nhiều hoạt động của DN gắn chặt với các cơ quan nhà nước, không có cơ quan nhà nước thì không xử lý được. Cơ quan nhà nước có cắt cử người trực đi nữa nhưng thực tế cũng chỉ là “đắp đổi”, cán bộ không đủ thẩm quyền giải quyết thì việc của DN sẽ không “chạy”. Nếu bị phạt vì chậm giao hàng, chậm thanh toán..., DN sẽ phải gánh chịu! “Muốn tăng trưởng kinh tế thì phải lao động, trong khi những ngày đi làm bù, ngày hoán đổi vào thứ bảy hiệu quả làm việc rất thấp” - ông Chí nêu quan điểm. L.Anh
Bình luận (0)