Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội (QH) khóa XIV, sáng 28-10, QH làm việc tại hội trường, nghe các báo cáo về: công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác của Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao; công tác thi hành án; công tác phòng chống tham nhũng.
Không thể thỏa hiệp với tham nhũng
Trình bày báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2016 trước QH, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Phan Văn Sáu đánh giá tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng và chưa bị đẩy lùi.
Theo báo cáo, hơn 1 triệu người đã hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2015; qua xác minh, chưa phát hiện trường hợp vi phạm kê khai không trung thực. Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga trình bày nhận xét: “Qua phản ánh của dư luận và báo chí cho thấy việc kê khai tài sản, thu nhập, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức; không ít trường hợp kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực”.
Tại phiên thảo luận sôi nổi trên nghị trường, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (tỉnh Hòa Bình) phản ánh ngày càng nhiều dự án đầu tư hàng ngàn tỉ đồng chịu cảnh “đắp chiếu” như đạm Ninh Bình, thép Thái Nguyên... với những giải thích “đầu tư đúng quy trình”, chỉ là do công nghệ lạc hậu, do xa vùng nguyên liệu… Đáng chú ý, thu hồi tài sản lại không đáng bao nhiêu so với số tiền thất thoát.
“Vậy ngàn tỉ tham nhũng đã đi đâu, được dùng vào việc gì, ai đã nhận nó vẫn là câu hỏi của nhân dân chờ các câu trả lời từ các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu không biết tiền đã đi đâu thì làm sao thu hồi được, làm sao diệt tham nhũng được tận gốc?” - ĐB Nguyễn Tiến Sinh nhấn mạnh.
Theo ĐB Sinh, cán bộ, công chức có tài sản phải chứng minh sự trong sạch tài sản của mình. Nếu không chứng minh được, phải coi đó là tài sản do tham nhũng mà có, không thể giải thích của ông anh, bà chị, cô em kết nghĩa cho là xong việc. Mọi cán bộ, công chức, viên chức phải chịu sự kiểm soát tài sản của mình. “Không để trường hợp cá nhân vừa được vinh danh có thành tích chống tham nhũng nhưng sau đó lại trở thành tội phạm. Điều đó đã làm giảm lòng tin của nhân dân đối với công tác phòng chống tham nhũng của Đảng, nhà nước” - ông Sinh nói.
Theo Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, năm 2016, về tội phạm kinh tế tham nhũng đã phát hiện, khởi tố điều tra 1.284 vụ, 2.025 bị can; về tội phạm xâm phạm quản lý, xâm phạm trật tự xã hội kinh tế có 182 vụ, 374 bị can... Qua điều tra cho thấy hành vi của các loại tội phạm này ngày càng tinh vi, nhất là trên các lĩnh vực tài chính ngân hàng, thuế, đầu tư công, quản lý sử dụng đất đai...
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (tỉnh Bến Tre) hết sức trăn trở về nghi vấn phải chăng có tình trạng tham nhũng chồng tham nhũng, thậm chí cơ quan chống tham nhũng có khả năng bảo vệ, bao che cho tham nhũng.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) không đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tư pháp rằng người dân, doanh nghiệp ngày càng có tư tưởng chịu đựng tham nhũng. “Đó là cơ chế chúng ta tạo ra, tham nhũng đặt lên người dân và doanh nghiệp một áp lực rất lớn, thậm chí bất bình. Người dân ở tư thế phải chịu đựng, không thể coi đó là mặc nhiên được” - ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.
“Cả họ làm quan” vẫn đúng quy trình!
Theo báo cáo của Tổng TTCP, các cấp, các ngành đã chuyển đổi vị trí công tác 8.812 lượt cán bộ, công chức, viên chức; góp phần tích cực phòng ngừa tham nhũng.
Ủy ban Tư pháp đánh giá ĐBQH, dư luận cử tri và báo chí phản ánh trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế là người thân, trong gia đình; có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ....
Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành chưa quy định về việc cấm người đứng đầu bổ nhiệm người thân vào vị trí lãnh đạo trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý dẫn đến thời gian qua, cử tri phản ánh tại một số địa phương có hiện tượng “cả họ làm quan” nhưng vẫn đúng quy trình. ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) nhìn nhận một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức và chưa hiệu quả, tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu, thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỉ lệ thấp.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) phản ánh ông đọc tờ trình vi phạm pháp luật như tư liệu lịch sử tìm vụ Formosa không thấy. Vụ Formosa là vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng không thấy cụm từ nào trong báo cáo này. Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, xâm hại tài nguyên ngày càng nghiêm trọng có thể gây ra những thảm họa nên cần được báo cáo.
Đã xử lý 7 viện trưởng VKSND
Theo báo cáo của Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí, trong năm 2016, có 38 trường hợp bị xử lý, trong đó 1 viện trưởng cấp tỉnh, 6 viện trưởng cấp huyện, 4 phó viện trưởng, còn lại là kiểm sát viên. Các cán bộ này bị xử lý do liên quan đến oan sai và bỏ lọt tội phạm. Viện trưởng Lê Minh Trí kiến nghị tiếp tục giám sát thực hiện nhiệm vụ chống oan, sai; đồng thời quan tâm giám sát thực hiện nhiệm vụ chống bỏ lọt tội phạm, nhất là tội phạm về tham nhũng, chức vụ và kinh tế.
Bình luận (0)