Ngày 15-5, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Kon Tum đã có văn bản thông tin việc Công ty TNHH MTV Xuân Tài (Công ty Xuân Tài) dùng phương tiện cơ giới đào hố, đắp bờ ngăn dòng chảy của sông Đắk Bla và khai thác khoáng sản trái phép.
Vụ ngăn sông này đã diễn ra từ lâu, người dân địa phương rất bức xúc nhưng các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum không có biện pháp ngăn chặn. Theo quan sát của phóng viên, tại đoạn sông Đắk Bla chảy qua xã Đắk Rơ Wa và phường Thắng Lợi (TP Kon Tum), Công ty Xuân Tài đắp một con đập có chiều ngang 5 m, cao khoảng 2 m, dài gần 100 m chắn ngang dòng. Con đập được đắp rất kiên cố bằng cát, sỏi và gia cố cẩn thận, xe tải có thể qua lại dễ dàng.
Cách con đập này không xa là công trường khai thác cát, sỏi của Công ty Xuân Tài đang hoạt động rầm rộ với nhiều loại máy móc. Ông Đỗ Xuân Tài, Giám đốc Công ty Xuân Tài, thừa nhận việc đắp đập là sai nhưng lại cho rằng không ảnh hưởng gì. "Làm thế này cũng không gây lở bờ mà còn giúp bà con thuận tiện đi qua khu sản xuất ở bên kia sông, không phải lội sông, lội suối" - ông Tài lý giải và cho biết nếu bị phát hiện sẽ trả lại mặt bằng cũ.
Con đập dài hàng trăm mét mà Công ty Xuân Tài đắp để khai thác khoáng sản trái phép
Theo Sở TN-MT tỉnh Kon Tum, qua kiểm tra xác định Công ty Xuân Tài tự ý dùng phương tiện cơ giới đào hố, đắp bờ ngăn dòng chảy của sông Đắk Bla khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là vi phạm pháp luật. Hơn nữa, việc ngăn dòng này làm thay đổi dòng chảy và khai thác cát, sỏi trái phép. Toàn bộ khu vực đào, đắp nằm ngoài khu vực được UBND tỉnh Kon Tum cấp phép khai thác khoáng sản cho công ty (cách vị trí được cấp phép gần 300 m về phía thượng lưu). Theo tính toán của Sở TN-MT, khối lượng khoáng sản đã bị công ty này khai thác trái phép là hơn 3.500 m3 trên diện tích 7.000 m2 trong thời gian 8 tháng.
Sở TN-MT tỉnh Kon Tum đã yêu cầu Công ty Xuân Tài tạm dừng ngay các hoạt động khai thác khoáng sản tại điểm này, đồng thời khắc phục sai phạm. Công ty phải phối hợp với chính quyền địa phương làm việc với các hộ dân bị thiệt hại do mất đất canh tác tại khu vực sông, thỏa thuận bồi thường thỏa đáng. Chiều 15-5, Công ty Xuân Tài đã cho phương tiện đến nạo, múc con đập chia đôi dòng sông Đắk Bla để trả lại hiện trạng cho dòng sông.
Sai phạm kéo dài như thế nhưng ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi, cho rằng chỉ mới nắm được vụ việc sau đợt giám sát của HĐND TP Kon Tum. Còn theo ông Đào Duy Hà, Trưởng Phòng TN-MT TP Kon Tum, để xảy ra sai phạm trên là trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn. "Đối với việc này, đoàn kiểm tra xét thấy việc vi phạm của ông Xuân Tài rất nghiêm trọng. Chúng tôi đang tích cực phối hợp với Sở TN-MT và UBND phường Thắng Lợi để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật" - ông Hà nói.
Người dân mất đất trồng trọt
Sau khi ngăn sông, mực nước phía trên đập dâng lớn như một hồ thủy điện. Phía dưới đập thì cạn trơ đáy và bị đào bới dài hàng trăm mét, sâu hoắm. Việc đắp đập đã làm dòng sông Đắk Bla đổ dồn về phía bên trái gây nguy cơ sạt lở bờ.
Bà K’Dân H’Je (người dân xã Đắk Rơ Wa) lo ngại con đập đã chặn một nhánh sông và biến nó thành sông chết. "Bao năm nay, chúng tôi vẫn trồng cấy ở bãi bồi giữa sông. Giờ đất ở đây bị đào bới thế kia thì bà con trồng trọt sao được" - bà K’Dân H’Je nói.
Bình luận (0)