Chạy dọc theo tuyến sông Tiền, sông Hậu và nhiều nhánh sông khác ở ĐBSCL những ngày qua, chúng tôi chứng kiến cảnh khai thác cát rầm rộ. Không thể ngờ là số lượng phương tiện khai thác, vận chuyển cát dày đặc trên sông, rạch chẳng kém là bao so với phương tiện vận chuyển hàng hóa đường thủy.
Tấp nập ở “thủ phủ” cát
Anh Nguyễn Văn Lê (ngụ ấp Trung, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) dùng xuồng máy chở chúng tôi ra khu vực cồn Thường Thới Tiền trên sông Tiền thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Đây được xem là “thủ phủ” cát ở miền Tây.
Theo lời anh Lê, khu vực đầu cồn Thường Thới Tiền được chính quyền cho khai thác cát từ hơn 10 năm nay. Từ trước Tết nguyên đán đến nay, hàng chục xáng cạp đã di chuyển vào sâu bên trong nhánh sông Tiền. Mỗi ngày có không dưới 200 sà lan hạng nặng (từ 600 m3 đến 1.000 m3) nối đuôi nhau chờ “ăn hàng”.
Do số lượng sà lan từ khắp nơi đổ về nhiều nên tất cả phải qua khâu bốc số để chờ đến lượt nhận hàng. Nhiều chủ phương tiện phải chấp nhận bỏ neo chờ đến nửa tháng mới có thể đi giao hàng. Để đủ cát cung cấp, các xáng cạp phải hoạt động hết công suất từ sáng đến tối.
Khai thác cát quá mức không chỉ gây sạt lở cho đôi bờ sông thuộc xã Thường Thới Tiền và Long Khánh A của huyện Hồng Ngự mà cá nuôi trong lồng bè của bà con bỏ ăn, hao hụt lớn do phát sinh dịch bệnh. Trong khi đó, những hộ dân nghèo chuyên sống bằng nghề câu lưới cũng lao đao vì không còn con cá nào dám bén mảng tới khu vực này. Những hộ dân thuê đất cồn do chính quyền địa phương quản lý để trồng rau màu cũng chỉ biết ngậm ngùi nhìn thành quả lao động của mình lần lượt trôi sông.
“Cồn Thường Thới Tiền nổi lên giữa sông khoảng 15 năm nay. Nghe nói trước đây, địa phương dự định sử dụng bãi bồi của cồn này làm bãi tắm phục vụ du lịch nhưng giờ chỉ cần bước ra khỏi bờ khoảng 3 m là vực thẳm rất nguy hiểm. Với đà khai thác như thế này thì không bao lâu nữa cồn mới nổi này sẽ biến mất. Khi đó, nước từ dòng chính trên sông Tiền sẽ đâm thẳng vào khu dân cư và gây sạt lở khủng khiếp” - anh Lê lo lắng.
Hoạt động khai thác cát rầm rộ còn diễn ra ở phía hạ nguồn sông Tiền thuộc xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho dù nhiều đoạn bờ sông ở khu vực này thường xuyên chịu cảnh sạt lở và đã được các ngành chức năng cảnh báo.
Cấp phép dễ dãi
Từ đầu năm đến nay, trên các tuyến sông Hàm Luông (Bến Tre), Cổ Chiên qua thủy phận Vĩnh Long, Trà Vinh và tuyến sông Tiền, sông Hậu qua Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, lực lượng công an liên tục bắt giữ các sà lan xáng cạp khai thác cát trái phép. Điển hình, tối 12-4, Phòng Cảnh sát Đường thủy Công an TP Cần Thơ bắt quả tang xáng cạp do ông Trần Ngọc Thắng (ngụ tỉnh Đồng Nai) làm chủ múc cát trên sông Hậu thuộc thủy phận phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Khi kiểm tra, ông Thắng xuất trình giấy phép khai thác cát do… UBND tỉnh Vĩnh Long cấp. Chủ phương tiện thừa nhận múc cát sai vị trí được cấp phép.
Trong khi nạn khai thác cát lậu khó kiểm soát thì việc cấp giấy phép nạo vét, khai thác cát tại các tỉnh, thành ĐBSCL khá tràn lan. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tỉnh Đồng Tháp đang có 4 doanh nghiệp (DN) được cấp phép khai thác cát theo 18 giấy phép với tổng công suất 8,9 triệu m3/năm. Ngoài ra, Đồng Tháp còn có 3 dự án nạo vét của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Tính đến đầu tháng 4-2017, tổng phương tiện đang khai thác và thi công nạo vét trên sông Tiền, sông Hậu qua địa phận tỉnh Đồng Tháp là 85. Trong đó, trên sông Tiền có 77 phương tiện trải dài khoảng 120 km từ biên giới Campuchia đến xã An Nhơn, huyện Châu Thành; trên sông Hậu có 8 phương tiện, trải dài khoảng 30 km, từ xã Định An, huyện Lấp Vò đến xã Phong Hòa, huyện Lai Vung.
Trên tuyến sông Tiền và sông Hậu thuộc tỉnh An Giang cũng đang có 8 DN khai thác cát. Trong đó, địa bàn xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới) - địa phương vừa xảy ra vụ sạt lở sông Vàm Nao nhấn chìm 14 nhà dân - có 2 DN được cấp phép. Còn trên tuyến sông Hậu từ cầu Cần Thơ lên đến cầu Vàm Cống (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) có 26 xáng cạp đang hoạt động tại 10 mỏ cát. Trong đó, Cần Thơ cấp phép 2 mỏ (7 xáng cạp), Vĩnh Long 4 mỏ (10 xáng cạp)...
Điều đáng nói là cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khó có thể kiểm soát việc khai thác sau khi cấp phép cho DN. Không ít DN lợi dụng giấy phép để khai thác cát trái phép mà trường hợp của chủ xáng cạp Trần Ngọc Thắng như nói trên là một điển hình.
Lãnh đạo sở tài nguyên và môi trường một tỉnh ĐBSCL còn khẳng định các dự án nạo vét chính vẫn là khai thác tài nguyên làm nguyên liệu xây dựng chứ không phải khơi thông dòng chảy. Việc lợi dụng nạo vé để khai thác cát bừa bãi đã làm địa mạo, dòng chảy của hệ thống sông rạch ĐBSCL bị thay đổi và biến đổi khó lường, gây ra tình trạng sạt lở.
Bán rẻ như cho
Theo ông Nguyễn Văn Thanh (ngụ xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), tại khu vực cồn Thường Thới Tiền, bình quân mỗi giờ một chiếc xáng cạp có thể múc được từ 600-700 m3 cát. Thế nhưng, chủ sà lan chỉ trả từ 6 triệu đồng đến 7 triệu đồng, tương đương 10.000 đồng/m3 cát. Trong khi đó, giá cát dùng để san lấp mặt bằng hiện nay không dưới 200.000 đồng/m3. “Họ lấy tài nguyên thiên nhiên bán với giá rẻ như cho trong khi người dân ở đôi bờ sông mất đất thì không biết kêu ai” - ông Thanh lo lắng.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 1-5
Kỳ tới: Hiểm họa cho ĐBSCL
Bình luận (0)