Theo chương trình được thông qua, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (Đại hội XII) sẽ xem xét, thảo luận và quyết định về vấn đề nhân sự của Đại hội từ ngày 23-1.
Theo đó, sau khi nghe báo cáo của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về công tác nhân sự Ban chấp hành Trung ương khóa XII, Đại hội XII sẽ biểu quyết về số lượng Ban chấp hành Trung ương khóa XII vào chiều 23-1. Trước đó, Ban chấp hành Trung ương khóa XI đã giới thiệu để Đại hội XII quyết về số lượng Ban chấp hành Trung ương khóa XII là 200 người, trong đó có 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết.
Đại hội XII dành cả ngày 24-1 để trao đổi về tiêu chuẩn, cơ cấu, danh sách đề cử Ban chấp hành Trung ương khóa XII.
Đáng chú ý, các đại biểu tham dự Đại hội XII có thể ghi phiếu ứng cử, đề cử vào Ban chấp hành Trung ương khóa XII. Sau khi xem xét việc đề cử, ứng cử và các trường hợp xin rút khỏi danh sách đề cử Ban chấp hành Trung ương khóa XII, Đại hội XII sẽ biểu quyết thông qua danh sách ứng cử, đề cử, các trường hợp xin rút khỏi danh sách đề cử Ban chấp hành Trung ương khóa XII,
Dự kiến, sáng 26-1, Đại hội XII sẽ bỏ phiếu bầu cử Ban chấp hành Trung ương khóa XII tại hội trường.
Chiều 26-1, Ban kiểm phiếu Đại hội XII công bố danh sách trúng cử Ban chấp hành Trung ương khóa XII.
Ngày 27-1, Đại hội nghỉ để Ban chấp hành Trung ương khóa XII họp Hội nghị lần thứ nhất bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Sáng 28-1, Đại hội công bố kết quả bầu cử Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII. Ban chấp hành Trung ương khóa XII ra mắt Đại hội.
Trong sáng 28-1, sau khi thông qua Nghị quyết Đại hội XII, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương khóa XII đọc diễn văn bế mạc Đại hội.
Trước đó, khi đề cập tới công tác nhân sự Đại hội XII, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khóa XI Lê Hồng Anh cho biết để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cần có cơ cấu hợp lý để phân công phụ trách các lĩnh vực công tác Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, các cơ quan trọng yếu của nhà nước ở Trung ương, địa phương và lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, không nhất thiết địa phương nào, lĩnh vực nào, ngành nào cũng phải có người tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Trên cơ sở tính toán, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII dự kiến là 200 người, gồm 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết (khoá XI có 175 ủy viên chính thức và 25 ủy viên dự khuyết); số lượng tái cử dự kiến khoảng 55-60% (đổi mới khoảng 40-45%).
Ông Lê Hồng Anh cho biết để bảo đảm tính kế thừa và phát triển, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cần có cơ cấu 3 độ tuổi, trong đó dưới 50 tuổi dự kiến 15-20%; từ 50-60 tuổi dự kiến 65-70%; trên 60 tuổi dự kiến 5-10%; trong đó, các nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần đầu cần đủ tuổi để tham gia được 2 khóa, tối thiểu cũng đủ tuổi tham gia trọn 1 khóa. Phấn đấu xây dựng cơ cấu, tỉ lệ cán bộ nữ trên 10% (khóa XI là 8,13%), cán bộ trẻ dưới 40 tuổi từ 4-6% (khóa XI là 2,2%), cán bộ là người dân tộc thiểu số từ 9-10% (khóa XI là 8,75%); ngoài ra, có cơ cấu một số nhà khoa học, văn nghệ sĩ, lãnh đạo một số tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia, đây cũng là một nét mới trong công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, nhiệm kỳ 2016-2021.
Bình luận (0)